Khoảng 6 giờ ngày 30-1, hàng trăm tiểu thương đã kéo nhau tập trung trước Chợ Đầm để phản đối việc xây dựng mới ngôi chợ hơn 40 năm tuổi này vì họ cho rằng có nhiều điểm bất hợp lý.
Theo các tiểu thương, những điểm không hợp lý đó là: Khu vực trung tâm chợ (hay còn gọi là nhà tròn) phá đi để xây đài phun nước là rất lãng phí. Việc di dời tất cả các hộ buôn bán sang chợ mới có nguy cơ lâm vào tình cảnh ế ẩm, mà bài học từ các trung tâm thương mại ở các địa phương khác đã từng xảy ra (kể cả TP lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh)...
Các tiểu thương cũng lo ngại bởi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Sông Đà - Nha Trang đã huy động vốn thông qua việc tổ chức đấu giá các lô sạp trong khi công trình chưa xây dựng xong. Đồng thời, lo ngại khi đấu giá các lô, sạp thiếu minh bạch.
Chợ Đầm Nha Trang được xây dựng vào những năm 1970 do Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế và hoàn thành năm 1972. Trong đó, hai khu chung cư A và B hoàn thành xây dựng năm 1972. Còn công trình chính là khu chợ Đầm tròn được đưa vào sử dụng từ năm 1974, các mái xếp được xây theo hình chữ V, tượng trưng cho bông sen và những cánh sen. Từ lâu chợ Đầm tròn đã là một địa danh không chỉ phục vụ mua sắm, mà còn là điểm du lịch nổi tiếng và là một trong những biểu tượng của thành phố.
Toàn cảnh chợ Đầm Nha Trang
Ngày 28-8-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Sông Đà - Nha Trang thực hiện Dự án chợ Đầm Nha Trang. Khu nhà chợ Đầm mới có quy mô 3 tầng với tổng diện tích hơn 21.000m², bên cạnh đó còn có khu chợ tươi sống 1 tầng rộng hơn 1.400m². Theo đó, giai đoạn 1 tiến hành từ tháng 1-2014 đến hết tháng 12-2015, giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2016 và kết thúc vào năm 2020.
Một phần cơ sở của Chợ Đầm mới hiện đã hình thành, tháng 8/2015 sẽ đi vào hoạt động. Lúc đó, toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh ở chợ cũ sẽ được bố trí sang khu vực chợ mới. Vì thế, nhiều bà con tiểu thương lo lắng, mong muốn giữ lại ngôi chợ truyền thống để kinh doanh nên đã đồng loạt đóng cửa, kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm.
Hiện chợ Đầm đang có khoảng 1.300 hộ kinh doanh đủ các mặt hàng. Theo quy hoạch, chợ mới được xây dựng lùi về phía sau, còn công trình chợ hiện hữu sẽ bị dỡ bỏ để xây dựng các công trình quảng trường, vườn hoa và sân bãi.
Cũng trong buổi sáng nay, bà Ngô Thị Bình, đại diện cho các tiểu tương cho biết cán bộ tiếp dân đã tiếp nhận đơn của các tiểu thương và hứa sẽ trình chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Ngọc Bông – chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa kiêm người phát ngôn của tỉnh – cho biết: Sáng nay khi người dân chợ Đầm có tập trung đăng ký gặp lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa để đề nghị giải quyết các kiến nghị của tiểu thương, UBND tỉnh đã đồng ý và sau đó người dân đã ra về. Sắp tới chủ tịch UBND tỉnh sẽ có buổi tiếp dân, cùng với đó sẽ giải thích luôn về các vấn đề kiến nghị trong đơn của tiểu thương chợ Đầm (dự kiến vào ngày 7-1-2015) đã gởi UBND tỉnh và các cơ quan. Về kiến nghị của tiểu thương chợ Đầm vào sáng nay (30-1) có ba vấn đề rất lưu ý: Một là đơn của họ đã gửi đến các cơ quan nhưng chưa được giải quyết; thứ hai là dân kiến nghị không phá bỏ khu chợ Đầm tròn và thứ ba là tính không công khai của chủ đầu tư dự án xây dựng chợ Đầm mới. Tất cả những nội dung đó, Văn phòng UBND tỉnh đã chuẩn bị để chủ tịch tỉnh có lịch tiếp công dân để giải quyết. |