Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các chợ sỉ và lẻ đều vắng khách, sức mua giảm hơn 50%. Nhằm “giải cứu” tình trạng ế ẩm, nhất là dịp tết cận kề, tiểu thương tại nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM đang dồn sức mở thêm kênh bán hàng trên mạng, chợ thương mại điện tử (TMĐT).
Tuy nhiên, để các tiểu thương trở thành nhà bán hàng chuyên nghiệp trên online, sàn TMĐT còn nhiều việc phải làm.
Tiểu thương chợ Tân Định, TP.HCM đang chụp ảnh bánh, kẹo, mứt để gửi cho khách hàng quen qua Zalo. Ảnh: TÚ UYÊN
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, hiện nay Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống. Những đơn vị kinh doanh này chiếm thị phần 75% với doanh thu khoảng 10 tỉ USD/năm. |
Tìm được nhiều khách hàng mới nhờ online
Nhằm giúp tiểu thương làm quen với hình thức bán hàng hiện đại thông qua sàn TMĐT, quận 5 (TP.HCM) vừa tiên phong ra mắt chợ phiên online. Ông Trần Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động quận 5, cho biết: Trên địa bàn quận có khoảng 10.000 hộ kinh doanh, trong đó đa số là chợ bán sỉ.
Trong mùa dịch COVID-19, việc kinh doanh của tiểu thương gặp nhiều khó khăn, nhất là giao dịch với bạn hàng ở các tỉnh. Trong khi đó, đa số tiểu thương lâu nay chỉ quen buôn bán với các mối quen, chưa biết kinh doanh qua sàn TMĐT.
“Trong phiên chợ đầu tiên có hơn 60 công ty và tiểu thương hai chợ Kim Biên, An Đông tham gia. Ban tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương từ A đến Z, bắt đầu với việc chụp ảnh sản phẩm, mô tả sản phẩm, nguồn gốc, chất liệu… Sau đó hướng dẫn tiểu thương cách gói hàng, không phải gói hàng như ngoài chợ là bỏ vô bịch rồi giao cho khách mà làm bài bản, đẹp” - ông Cường kể.
Không chỉ tại quận 5 mà nhiều đơn vị kinh doanh cũng đang hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống mở sạp hàng online bán tết. Đơn cử, mới đây Grab Việt Nam triển khai chương trình số hóa chợ truyền thống. Mục tiêu nhằm hỗ trợ tiểu thương chuyển sang kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Từ nền tảng này, tiểu thương có thể tiếp cận thêm khách hàng mới để duy trì hoạt động kinh doanh, buôn bán trong giai đoạn bình thường mới.
Thực tế cho thấy nhờ tiếp cận các hình thức kinh doanh hiện đại, thương hiệu và địa chỉ kinh doanh của tiểu thương được nhiều khách hàng biết đến và đặt hàng nhiều hơn. Chính vì vậy, nhiều tiểu thương đua nhau mở sạp online bán hàng tết.
Bà Thái Trang, kinh doanh quần áo thời trang tại chợ An Đông, dẫn chứng: “Nhờ online, tôi đã ký được hợp đồng cung cấp quần áo thời trang vào hệ thống siêu thị Co.opmart. Chỉ trong vòng một tháng qua, tôi đã nhận được ba đơn đặt hàng lớn với khoảng 3.000 sản phẩm”.
Tuy vậy, bà Trang và một số tiểu thương khác thừa nhận hiện nay hầu hết tiểu thương vẫn bán hàng theo cách truyền thống. Điểm hạn chế của phương thức bán hàng này là người bán thường chỉ giao dịch trực tiếp với một số người mua. Còn khi đưa hàng hóa lên online sẽ có nhiều người biết đến hơn, từ đó giúp tiểu thương có thêm bạn hàng mới. Mặt khác, khách hàng chỉ cần ngồi nhà đặt mua hàng, không phải đến tận chợ xem hàng như trước đây nên tiết kiệm được chi phí đi lại.
Bán hàng trực tuyến lên ngôi Công ty chuyên cung cấp nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo cho biết qua khảo sát cho thấy mô hình bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế trong mùa dịch. Trong đó có hơn 24% doanh nghiệp, cá nhân bán hàng trên nhiều kênh trực tuyến khác nhau như Facebook, sàn TMĐT, website… ghi nhận có tăng trưởng doanh thu trong và sau dịch bệnh. Để thích ứng với sự biến động của thị trường, các mô hình kinh doanh truyền thống đang đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến hoặc trên các trang TMĐT. Nhờ đó họ đã có sự hồi phục kinh doanh. Một khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch; 64% cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn. “Xu hướng mua hàng trực tuyến chắc chắn sẽ tăng hậu COVID-19. Tuy nhiên, kênh trực tuyến sẽ tồn tại song song chứ khó có thể thay thế hoàn toàn các điểm bán trực tiếp” - đại diện Nielsen nhận định. |
Mong có sàn giao dịch cho tiểu thương
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khá phức tạp, tiểu thương tại các chợ truyền thống buộc phải thích nghi với thói quen và xu hướng tiêu dùng mới, đó là chuyển từ offline sang online. Nói cách khác, việc chuyển đổi số để tiếp tục tồn tại và phát triển là rất cấp bách.
Thêm vào đó, khi tiểu thương mở sạp kinh doanh trên online, nhất là trong mùa cận tết sẽ giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn. Họ có thể mua các mặt hàng thiết yếu hằng ngày như thịt, cá, rau, trái cây, sữa... từ các sạp hàng tại chợ truyền thống thông qua các nền tảng trực tuyến một cách tiện lợi, nhanh chóng.
Tuy vậy, việc chuyển sang buôn bán chuyên nghiệp trên môi trường mạng là không đơn giản. Nguyên nhân do nhiều tiểu thương còn thiếu kinh nghiệm, công cụ lẫn nguồn lực để chuyển đổi số. Bà Đỗ Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, nhìn nhận hiện nay một số tiểu thương tự đăng hình ảnh sản phẩm trên trang mạng xã hội cá nhân hay Zalo để quảng cáo, bán hàng. Tuy vậy, phần lớn tiểu thương là những người lớn tuổi buôn bán lâu năm, không dùng điện thoại thông minh và không rành công nghệ.
“Do đó, để tiểu thương có thể mở sạp bán hàng trên online hay sàn TMĐT thì cần có sự nỗ lực của mỗi người và sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía các cơ quan chức năng, doanh nghiệp lớn để tiểu thương có thể tiếp cận với mô hình bán hàng hiện đại” - bà Hòa nói.
Tán đồng quan điểm này, ông Trần Huy Cường cho hay tiểu thương rất quan tâm đến bán hàng online. Trước mắt đơn vị tổ chức tập huấn cho tiểu thương cách bán hàng mùa tết thông qua các mạng xã hội, Zalo, YouTube... Về lâu dài cần xây dựng sàn TMĐT chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh. Để làm được điều này rất cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý.
Nhiều tiểu thương cũng mong muốn có một sàn TMĐT chuyên nghiệp để họ bán hàng. Trong trường hợp nếu phải đóng phí để vận hành thì tiểu thương sẵn sàng đóng góp. Bởi nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau, tiểu thương cần phải ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, kinh doanh, buôn bán qua mạng một cách chuyên nghiệp, bài bản.