Ngày 1-7 tới, liên tiếp ba tuyến xe buýt có trợ giá ở TP.HCM sẽ ngưng hoạt động. Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng xe buýt ngưng hoạt động cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, giao thông công cộng TP.HCM nên cải tổ lại một cách triệt để.
Ngưng gần 10 tuyến trợ giá trong hai năm
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cuối năm 2018, trên địa bàn TP có 100 tuyến xe buýt có trợ giá.
Tuy nhiên, trong năm 2019 đã tạm ngưng hoạt động ba tuyến xe buýt có trợ giá (tuyến 66, 96 và 97). Đến đầu năm 2020, TP tiếp tục tạm ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 54 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn), chuyển đổi hai tuyến xe buýt số 13 và 94 từ loại hình có trợ giá sang không trợ giá. Mới đây, trung tâm thông báo tiếp tục ngưng hoạt động ba tuyến xe buýt có trợ giá là 02, 11 và 144 vào ngày 1-7 tới.
Theo Sở GTVT, việc ngưng các tuyến xe buýt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của người dân do thời gian chờ xe buýt lâu hơn hoặc phải di chuyển bằng nhiều tuyến. Từ đó dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính liên thông mạng lưới tuyến. Điều này càng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như tác động đến hoạt động của các tuyến xe buýt còn lại.
Về khó khăn, đại diện Sở GTVT cho biết nếu dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn giữ nguyên là 1.150 tỉ đồng thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động được đến khoảng giữa tháng 11-2020; hoặc cần phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch của giai đoạn từ ngày 1-7 đến 31-12 (trong đó phải thực hiện ngưng một số tuyến).
Do vậy, Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính xem xét, thẩm định thống nhất dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 là 1.311 tỉ đồng (nâng mức trợ giá xe buýt lên 161 tỉ đồng).
Lượng khách đi xe buýt giảm mạnh trong nhiều năm qua. Ảnh: THU TRINH
Cần cải tổ hệ thống xe buýt
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định giao thông công cộng ở TP cần cải tổ lại một cách triệt để nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao trong tương lai.
Sau tám năm (từ năm 2012 đến nay), lượng khách đi xe buýt đã giảm tới 50%. Tỉ lệ trên cho thấy đây là một tín hiệu rất đáng báo động cho giao thông công cộng TP.HCM.
Do đó, PGS-TS Mai cho rằng TP cần phải cải tổ hệ thống này theo hướng mạnh dạn đổi mới. Cụ thể, cơ quan chức năng nên thay đổi hoàn toàn hệ thống và quản lý điều hành xe buýt hiện nay sang hình thức PPP (các tập đoàn tư nhân hay cổ phần nhà nước có tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Theo ông Mai, những đơn vị cùng hệ thống giao thông công cộng sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền giao thông đô thị PTA (Public Transportation Authority). Mô hình này sẽ dẫn đến sự thay đổi hàng loạt hoạt động xe buýt như mạng lưới, luồng tuyến, dịch vụ, vé thông minh, đội xe mới, sức thu hút khách và giảm thiểu được trợ giá cho xe buýt.
Cũng theo PGS-TS Mai, TP.HCM có thể thực hiện với kinh phí hoàn toàn do TP tự lo được theo phương thức PPP và xã hội hóa chứ không cần phải vay vốn nước ngoài hay chờ đợi ngân sách từ trung ương.
Tuy nhiên, để làm được điều trên, TP cần tạo dựng được cơ chế đặc thù cho sự phát triển giao thông công cộng liên quan đến PTA, PPP.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho rằng nếu ngưng các tuyến xe buýt có trợ giá thì sẽ rất khó cho các hành khách, vì chủ yếu những người đi xe buýt thường có hoàn cảnh khó khăn.
“Theo tôi, nếu ngưng chạy các tuyến xe buýt có trợ giá trên, TP nên thay thế một loại xe buýt mini 12-16 chỗ cho bà con đỡ khổ. Số kinh phí trợ giá nhiều quá thì thà bỏ tiền ra mua các xe buýt nhỏ phục vụ bà con” - PGS-TS Hòa nói.
PGS-TS Hòa cho biết hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á đều sử dụng xe buýt loại nhỏ dù mỗi nước gọi một tên khác nhau. Nhờ xe nhỏ gọn, không chiếm mặt đường nên rất phù hợp với thực trạng đường phố ở TP.HCM. Cũng nhờ vậy mà xe có thể len lỏi bất cứ đâu, xoay trở cũng rất dễ dàng.
Ông Hòa nhận xét loại xe này cơ động, số lượng khách khoảng 10 người nên việc gom người dễ dàng, đỡ tốn các chi phí bảo trì so với xe 40-80 chỗ.
Ít người sử dụng thanh toán tự động trên xe buýt Theo ghi nhận của PV, tuy đã gần hết hạn thí điểm thanh toán tự động trên xe buýt nhưng số lượng người sử dụng thẻ vẫn rất ít. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông công cộng cho biết số người sử dụng hệ thanh toán tự động chưa nhiều là do thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn. Ngoài ra, hình thức thanh toán này vẫn chưa triển khai toàn hệ thống khiến một số người có nhu cầu đi xe buýt liên tuyến gặp khó khăn. PGS-TS Phạm Xuân Mai đánh giá cao việc thanh toán tự động trên xe buýt. Cụ thể, hình thức thanh toán này khiến việc quản lý vận hành tốt và việc thu chi cũng minh bạch hơn. “Mặt khác, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đang sử dụng các hình thức thanh toán tự động trong các giao dịch của mình vào giao dịch đi lại, vận chuyển” - PGS-TS Mai thông tin. Ông Mai góp ý việc thanh toán này nên đa dạng như dùng thẻ tín dụng, điện thoại di động… Hai chương trình phát triển xe buýt Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay TP có hai chương trình ưu tiên cho xe buýt. Một là dự án giao thông xanh (PRT) với tuyến xe buýt đi từ Bến xe Miền Tây đến Bến xe Miền Đông mới. Hai là chương trình nghiên cứu tuyến xe buýt nhanh cặp đường Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu. |