Tìm cách khai thác quỹ đất ga đường sắt nội đô

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất, nhất là tại các ga đường sắt để huy động nguồn vốn đầu tư, kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Các chuyên gia quy hoạch cho rằng việc xã hội hóa đầu tư, khai thác các ga nội đô như ga Sài Gòn, ga Bình Triệu hay ga Thủ Thiêm sau này là điều nên làm để tận dụng quỹ đất, phần nào phục vụ ga và phần nào khai thác thương mại.

Những ga nội đô như ga Sài Gòn cần được tính toán để khai thác thương mại, tạo nguồn thu tốt hơn. Ảnh: THY NHUNG

Làm quy hoạch các ga nội đô

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết đơn vị này sẽ tổ chức lập quy hoạch chi tiết các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị (ga nội đô), ga đầu mối đường sắt quốc gia…

Cụ thể, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu mục tiêu của việc lập quy hoạch ga đường sắt là để quản lý đất dành cho đường sắt theo quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất và kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; hoàn thiện cơ chế giao, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong quy hoạch ga cũng sẽ xác định rõ phần nào phục vụ chạy tàu, phần nào có thể kêu gọi đầu tư khai thác, kinh doanh.

Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt này thì giai đoạn đến năm 2030, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành được quy hoạch tuyến mới. Đồng thời đến năm 2050 sẽ có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (điểm cuối tại ga Thủ Thiêm) và có ga Bình Triệu làm ga đầu mối hành khách. Vì vậy, theo các chuyên gia, với riêng TP.HCM, việc khai thác tốt hơn các ga nội đô như Sài Gòn, Thủ Thiêm, Bình Triệu là điều nên làm. Tuy nhiên, việc khai thác như thế nào, kết hợp thương mại và việc tổ chức chạy tàu, đón khách… cần phải có quy hoạch ga chi tiết.

Khai thác tốt tiềm năng quỹ đất ga nội đô

“Như chúng ta thấy ga Sài Gòn ở quận 3, trung tâm TP, nơi kết nối nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm nên đây là nơi có thể làm trung tâm thương mại thúc đẩy phát triển khu vực xung quanh” - ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết.

Theo ông Mười, thời gian trước đây, khi dự án đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng (ga Sài Gòn hiện nay) được nêu ra thì đã có đề xuất nâng cốt nền ga Sài Gòn lên để bằng với ga Bình Triệu và khi nâng nền thì tầng dưới của ga có thể làm trung tâm thương mại, rất thuận lợi.

Tuy nhiên, đến nay số phận đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng vẫn chưa biết sẽ đi về đâu vì hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không nhắc đến đường sắt này. Đoạn trên cao này có làm hay không có thể phụ thuộc vào quyết định của TP.HCM.

GS-TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, cho biết trước đây câu chuyện ga Sài Gòn cũng được đưa ra góp ý nhiều như phần nhà ga phục vụ chạy tàu bao nhiêu, còn lại để làm trung tâm thương mại phục vụ kinh doanh.

“Như bên Nhật Bản, mỗi nhà ga là trung tâm thương mại nhỏ nhưng hiện nay ở Việt Nam còn chưa có quy định để làm điều này. Ngoài ra, chúng ta phải lưu ý cả câu chuyện kết nối đường sắt quốc gia và đường sắt nội đô” - ông Phong lưu ý thêm.

Theo ông Phong, trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch cũng cho biết về cơ chế chính sách sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình quy phạm, định mức... Điều này để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.•

 Ga Thủ Thiêm là đầu mối kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ga Sài Gòn là một nhà ga tàu hỏa lớn của Việt Nam tọa lạc tại quận 3, TP.HCM, cách trung tâm TP khoảng 1 km. Hằng năm, vào dịp tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ lễ, ga Sài Gòn là nơi rất nhiều hành khách tập trung để về quê.

Ga Bình Triệu nằm trên trục đường Kha Vạn Cân - quốc lộ 13, cách cầu Bình Triệu 400 m, là một trong những ga nhỏ trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, trực thuộc ga Sài Gòn. Hiện nay, ga Bình Triệu không còn sử dụng.

Ga Thủ Thiêm nằm trong quyết định năm 2013 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 và quyết định năm 2013 của Bộ GTVT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM xác định ga này là ga đầu mối nhiều tuyến. Ga này là ga đầu mối kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050) và cũng là ga của tuyến đường sắt kết nối đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất thông qua đường sắt đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới