TP.HCM thúc tiến độ các dự án kết nối vùng

Sở GTVT TP.HCM cho biết TP.HCM là trung tâm kinh tế có vị trí và vai trò rất quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là cửa ngõ giao thương, đầu mối giao thông lớn nhất cả nước.

Theo đó, các tuyến giao thông liên kết vùng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành; vành đai 2, 3, 4; các tuyến đường sắt... sẽ được Sở GTVT tập trung đầu tư trong năm 2022.

Vành đai 3, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đang được khai thác. Ảnh: VÕ NGUYÊN

Các dự án giao thông vẫn chưa xứng tầm

Theo Sở GTVT TP, hệ thống giao thông vận tải TP với đủ các loại hình vận tải đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong việc phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các dự án hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là các dự án trọng điểm, liên kết vùng... chưa thể hoàn thành đầu tư theo quy hoạch.

Theo đó, việc rà soát, đánh giá thực trạng, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng theo quy hoạch, nghiên cứu các giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối vùng là hết sức cần thiết.

Sở GTVT TP đánh giá hiện nay quy hoạch hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đầy đủ bốn phương thức gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy.

Trong đó, đường bộ có năm trục và ba tuyến vành đai. Tuy nhiên, hiện nay ngoài trục quốc lộ 1 được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành giai đoạn 1, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đầu tư thì các trục kết nối còn lại hiện chưa được nâng cấp mở rộng theo quy hoạch. Các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.

Các tuyến vành đai 2, 3, 4 TP.HCM chưa khép kín. Đây là nguyên nhân các cửa ngõ và trục kết nối TP.HCM và các địa phương lân cận thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Đối với đường sắt, ngoại trừ tuyến đường sắt quốc gia, các tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Tây Ninh, TP.HCM - Lộc Ninh đều chưa được triển khai đầu tư.

Cần huy động mọi nguồn lực

Theo Sở GTVT TP.HCM, năm nay sở sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới. Từ đó, góp phần phát triển hạ tầng giao thông vận tải liên kết vùng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Sở GTVT, đơn vị sẽ ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, kết nối vùng trên cơ sở tình hình phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch đã phê duyệt. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối các đô thị vệ tinh liên vùng; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy huyết mạch...

Về trình tự thủ tục, Sở GTVT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương liên quan ưu tiên đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách kết nối vùng như vành đai 3, vành đai 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành...

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cũng đánh giá cao về việc thực hiện các tuyến đường liên kết vùng, đặc biệt là giữa Long An và TP.HCM.

Ông Trung cho biết lãnh đạo TP.HCM và Long An đã có nhiều cuộc họp để quyết định đưa ra các phương án đầu tư kết nối, đồng bộ giữa hai địa phương. Theo đó, cả hai địa phương sẽ sắp xếp mọi nguồn lực, ưu tiên từng dự án trọng điểm.

Cụ thể, tuyến đường vành đai 3 TP.HCM và trục độc lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang cần sớm triển khai thực hiện. Bởi hiện nay quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã bị quá tải. Theo đó, việc sớm hoàn thành hai dự án trên sẽ tăng cường kết nối liên vùng, kết nối với ĐBSCL, thu hút các nhà đầu tư về Long An.

Tương tự, đại diện Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng đánh giá một trong những dự án liên kết vùng giữa TP.HCM - Tây Ninh cần chú trọng đầu tư là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Theo đó, năm 2022 TP.HCM và Tây Ninh cần tập trung hoàn thiện các thủ tục để dự án sớm được khởi công và hoàn thành đúng theo kế hoạch.

Theo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài không chỉ giảm ùn tắc cho quốc lộ 22 mà còn tăng kết nối liên vùng và còn tăng cường hành lang kết nối đông tây với các nước tiểu vùng Mê Kông. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phát huy lợi thế của cửa khẩu Mộc Bài.

Khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai

Theo Sở GTVT TP, để giải quyết các vấn đề về nguồn vốn, Sở GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của từng địa phương để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó, sở tập trung cho các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Song song, ngành giao thông TP cũng đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án hoặc đề xuất Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho địa phương vay lại. Từ đó, đầu tư phát triển hạ tầng, phương án trả nợ vay từ khai thác các nguồn lực từ đất dọc các tuyến vành đai, cao tốc và vùng phụ cận.

Sở GTVT TP cũng đề xuất khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai như rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch xung quanh các trục giao thông, nhà ga đường sắt, bến bãi vận tải và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch để đấu giá tạo nguồn phát triển hạ tầng giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm