Tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật

(PLO)- Các báo cáo tham luận, ý kiến trao đổi đã đóng góp rất tích cực trong mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật của các trường thuộc Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-3, Khoa Luật trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay”. Đây là cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam.

Mở ra cơ hội, môi trường giao lưu, kết nối

Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật Việt Nam (Vietnamese Law School Network -VLSN) được thành lập vào năm 2019. Đây là một trong những bước phát triển mới nhất của hệ thống đào tạo luật ở Việt Nam.

GS. TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay”. Ảnh: CHÂU ANH

GS. TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay”. Ảnh: CHÂU ANH

GS. TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, cho biết nhiều năm qua, Khoa Luật là một trong những đơn vị đã thu hút được rất nhiều sinh viên, với điểm tuyển sinh thuộc nhóm cao nhất của Trường.

Từ khi thành lập vào năm 2000 đến nay, với đội ngũ viên chức tương đối trẻ, tâm huyết và phấn đấu học tập nâng cao trình độ chất lượng, Khoa Luật đã dần khẳng định được bản lĩnh, uy tín và chất lượng đào tạo.

“Tôi mong rằng qua Hội thảo này sẽ mở ra cơ hội, môi trường giao lưu, kết nối giữa Khoa Luật trường ĐH Cần Thơ với các cơ sở đào tạo luật uy tín trong cả nước. Nhà trường cũng hy vọng Hội thảo này sẽ mở đầu cho quá trình gắn kết xa hơn, sâu rộng hơn giữa Trường mà cụ thể là Khoa Luật với các cơ sở thực hành luật trong và ngoài vùng ĐBSCL. Đây là yếu tố cần thiết tạo dựng môi trường rèn luyện kỹ năng thiết thực cho các em sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo của Nhà trường” - Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đóng góp rất tích cực

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 45 bài viết với góc nhìn khác nhau của các tác giả từ nhiều cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước, gồm ba nhóm vấn đề chính. Đó là: Những vấn đề chung về nâng cao chất lượng đào tạo luật; đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu đào tạo luật và phát triển kỹ năng cho sinh viên ngành luật.

Tại Hội thảo, có sáu tham luận được trình bày nội dung xoay quanh các vấn đề đào tạo luật trong xu thế hội nhập hiện nay; các cách thức thúc đẩy chất lượng đào tạo luật phù hợp với thực tiễn...

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 45 bài viết với góc nhìn khác nhau của các tác giả từ nhiều cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Ảnh: CHÂU ANH

Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 45 bài viết với góc nhìn khác nhau của các tác giả từ nhiều cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Ảnh: CHÂU ANH

Báo cáo tham luận về đào tạo luật trong thời đại số, TS. Trịnh Thục Hiền, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP.HCM), cho rằng tác động tích cực và dễ nhận thấy nhất của công nghệ đến đào tạo là tạo ra các nền tảng. Từ đó, duy trì sự kết nối sinh viên với hoạt động học tập ngoài thời gian trên lớp.

Cụ thể, với các phần mềm quản lý tập trung, sinh viên chỉ cần sử dụng thiết bị điện tử có kết nối internet sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn học liệu của môn học, các bài tập dưới nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, có thể trao đổi qua các diễn đàn và hộp thư với giảng viên bộ môn. Ngoài ra, giảng viên cùng lúc có thể cung cấp thông tin đến cho tất cả sinh viên, học viên trong lớp, thay vì trả lời riêng lẻ từng người. Đồng thời, sinh viên có thể tiếp cận mọi thông tin liên quan tới môn học tại một nơi tập trung và có hệ thống, tránh phải truy tìm ở các nơi lưu trữ phân tán.

“Những phiên toà hay phiên họp trọng tài giả định cần được tổ chức nhiều hơn và phổ biến rộng rãi hơn bằng hình thức trực tuyến để mọi sinh viên có cơ hội tham gia nhiều hơn thay vì chỉ một nhóm nhỏ như hiện nay. Với hình thức trực tuyến, chi phí tổ chức có thể sẽ giảm đáng kể, cạnh đó, mở rộng phạm vi tham gia hơn so với hình thức trực tiếp trước đây” - TS. Hiền nêu gợi ý.

Báo cáo tham luận về mô hình giáo dục pháp luật thực hành đang được áp dụng, ThS. Lê Huỳnh Phương Chinh, Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại (Khoa Luật, trường ĐH Cần Thơ) nhận định các phương thức hoạt động trong mô hình sẽ tạo ra cách tiếp cận kiến thức luật học đa chiều, sinh động.

Ngoài các báo cáo tham luận, tại hai phiên thảo luận diễn ra trong Hội thảo các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy, đào tạo ngành luật. Ảnh: CHÂU ANH

Ngoài các báo cáo tham luận, tại hai phiên thảo luận diễn ra trong Hội thảo các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy, đào tạo ngành luật. Ảnh: CHÂU ANH

Thông qua môi trường thực tiễn, sinh viên sẽ tự mình vận dụng kiến thức, định hình các kỹ năng thực hành nghề luật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, điều này giúp các cử nhân Luật khi tốt nghiệp có thể tự tin, chủ động trong các hoạt động pháp luật thực tế và có lý tưởng mang pháp luật phụng sự cộng đồng, làm nên giá trị của người học luật.

Theo ThS Chinh, hoạt động thực hành luật được thể hiện qua ba phương diện, là giảng dạy pháp luật cộng đồng, tư vấn hỗ trợ pháp lý và môn học tự chọn về thực hành luật. Mỗi phương diện đều hướng đến những tác động tích cực đến quá trình học tập, rèn luyện và phát triển về chuyên môn của sinh viên và giảng viên trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường năng lực học tập nghiên cứu luật học.

“Hiện tại, chương trình giáo dục pháp luật thực hành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nếu những đóng góp tích cực của nó được ghi nhận bởi chính bản thân người học và đội ngũ giảng viên cùng cộng đồng, thì chắc rằng trong tương lai những tồn tại đó sẽ được khắc phục dựa trên một số đề xuất hoàn thiện đã nêu” - ThS Chinh nhận xét.

Ngoài các báo cáo tham luận, tại hai phiên thảo luận diễn ra trong Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy, đào tạo ngành luật phù hợp với thực tiễn.

Theo PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật trường ĐH Cần Thơ, các tham luận, các ý kiến tại Hội thảo đã đóng góp rất tích cực trong mục tiêu chung của Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam hiện nay.

Trưởng Khoa Luật, trường ĐH Cần Thơ cũng khẳng định đơn vị luôn mong muốn được giao lưu, học hỏi và kết nối với các cơ sở đào tạo luật. Qua đó, nâng tầm công tác đào tạo, nghiên cứu của đơn vị, khẳng định giá trị triết lý giáo dục “Rèn tâm thiện - Luyện trí minh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm