Tìm hiểu về vận động hành lang làm luật lobby

Vận động hành lang, hình thức vận động chính sách của các nhóm lợi ích được đưa ra mổ xẻ ở góc độ khoa học pháp lý và ngày 27-11, Khoa luật - ĐH Quốc gia Hà Nội với sự tài trợ của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) đã tổ chức hội thảo chủ để “Pháp luật về vận động hành lang trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Phân biệt vận động chính sách với vận động hành lang

Về khái niệm, theo PGS Đặng Minh Tuấn, cần phải phân biệt vận động hành lang với vận động chính sách.

Vận động chính sách có nhiều hình thức hoạt động như công bố nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, hội họp, góp ý, đề xuất, phản biện, phân tích… nhằm tác động vào quá trình ban hành chính sách công. Vận động hành lang chỉ là một hình thức trong đó, dưới dạng giao tiếp với các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và thường vì lợi ích của nhóm lợi ích cụ thể.

Bổ sung, PGS Vũ Công Giao dẫn quan điểm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, đánh giá vận động hành lang là một động lực tích cực trong nền dân chủ nhưng các nhóm quyền lực qua đó tác động để hướng chính sách, pháp luật về lợi ích của mình trong khi có thể tổn hại đến lợi ích cộng đồng, mà chủ yếu là lợi ích kinh tế.

Vận động hành lang được cho là có nguồn gốc từ Anh. Hoạt động này phát triển mạnh ở Mỹ và đến thế kỷ 19, vận động hanh lang dần trở thành một nghề. Năm 1946, quốc hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật đầu tiên điều chỉnh những mặt tiêu cực của hoạt động này.

Cho đến nay, nhiều nước xem vận động hành lang như một nghề, được điều chỉnh bằng một đạo luật riêng hoặc quy định ở trong các luật điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội

Lobby và vận động chính sách ở Việt Nam

Ở Việt Nam, dù chưa được quy định cụ thể nhưng vận động chính sách, trong đó vận động hành lang là một hình thức vẫn đang diễn ra hằng ngày, ở mọi cấp, mọi ngành, các cơ quan quản lý.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trường ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: “Vận động chính sách là công việc hằng ngày của chúng tôi”.

PGS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tại hội thảo.
Ảnh: N.NHÂN

Ông đặt câu hỏi: “Có tiêu cực hay lũng đoạn trong vận động chính sách không?” rồi tự trả lời từ kinh nghiệm của VCCI khi bền bỉ phản biện Thông tư 20 của Bộ Công Thương mà nội dung chính là bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người từ chín chỗ ngồi trở xuống: “Quá trình thảo luận ấy thấy rõ sức mạnh của nhóm lợi ích sản xuất ô tô nội địa”.

PGS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan gác cổng về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ cho hay: Năm 2010, ông nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa XII: Có lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật không?

“Tôi không đắn đo trả lời là không. Vì quy trình xây dựng pháp luật rất nhiều bước, chặt chẽ, gồm cả quy trình về phía nhà nước và quy trình của Đảng và lúc ấy chưa có ai vận động mình cả” - ông Cường nói. Ông cho hay là cũng trăn trở vì “Sau đó có những đại biểu như anh Nguyễn Văn Thuận, lúc ấy là chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, từng phản ánh công khai hiện tượng mời ăn uống trong những dịp Quốc hội thảo luận các luật gây tranh cãi”.

Theo ông Hà Hùng Cường, chưa thể nói gì về lợi ích nhóm tiêu cực nhưng cục bộ ngành, lĩnh vực là có. Câu chuyện về dự án Luật Đăng ký bất động sản là ví dụ điển hình.

Về dự luật này, năm 2006, Chính phủ khởi động nhằm giúp công khai, minh bạch một phần tài sản cá nhân, là tiền đề để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng nhưng các bộ có ý kiến rất khác nhau. Đến tháng 9-2009, khi lãnh đạo Chính phủ quyết định trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các ý kiến khác nhau, có phần do cục, bộ, ngành, đã khiến dự án luật phải dừng lại vô thời hạn.

“Mới đây, khi Đảng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí có nhắc lại cần làm luật này” - ông Cường chia sẻ.

Hướng tới luật lobby

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, từ bản chất độc quyền tự nhiên của Nhà nước trong ban hành chính sách, cho rằng vận động chính sách, cạnh tranh lợi ích bằng cách tác động vào chính sách là tồn tại tự nhiên. Với sự phát triển của xã hội thì đây là một thị trường sôi động. Tuy nhiên, trong thị trường ấy, các nhóm nhỏ và dân chúng nói chung luôn chịu thiệt thòi bởi vận động chính sách là cuộc chơi của các nhóm lợi ích lớn.

Để ra đời được Luật Vận động hành lang, theo ông Tự Anh, trước hết phải “vận động” để nhóm lợi ích được thừa nhận về mặt chính trị. Song song với quá trình ấy phải xây dựng được thể chế công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Bởi nếu chưa xây dựng được nền tảng ấy mà vội vàng chấp nhận vận động hành lang như việc bình thường thì rất có thể xã hội sẽ phải trả giá cho lợi ích của những nhóm nắm quyền.

GS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội đánh giá Việt Nam, thời điểm này là chưa chín muồi cho một sáng kiến lập pháp để điều chỉnh trực tiếp vấn đề lobby theo nghĩa đây là một nghề. Vậy nên trước mắt cần tích cực tổ chức các thảo luận mang tính xã hội để nhận diện rõ hơn về nhóm lợi ích, vận động chính sách, vận động hành lang. Khi nghị quyết của Đảng đánh giá chính thức về vấn đề này thì đó sẽ là tiền đề chính trị để đi đến luật điều chỉnh cụ thể, qua đó thúc đẩy mặt tích cực và kiểm soát mặt tiêu cực của hoạt động lobby.•

Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật

Lợi ích nhóm, nhóm lợi ích là những cụm từ xuất hiện trong các văn kiện của Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI với hàm ý về mặt tiêu cực của hiện tượng tự nhiên này. Gần đây nhất là Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong Kết luận 19, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp, các ngành “chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.

Với công tác phản biện thì cần “nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới