Tìm thấy thi thể chị Huyền, vụ án Cát Tường được đưa ra 3 giả thiết mới

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 4-2014. 

Trước đó, khi chưa tìm thấy xác chị Huyền, tháng 4-2014, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về hai tội danh: Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt và Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tuy nhiên, vụ án sau đó phải trả hồ sơ, điều tra bổ sung vì tòa nhận thấy có một số vấn đề chuyên môn cần phải làm rõ.

Từ việc tìm thấy xác nạn nhân, qua đó xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của Huyền là do đâu, trên cơ sở đó mới định tội danh đối với bị cáo Tường chính xác được. 

Với tình tiết mới của vụ án là tìm thấy thi thể nạn nhân,  TS Phan Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Luật Hình sự (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), phân tích rõ hơn về tội danh của bác sĩ Tường với ba giả thiết đặt ra.

 TS Phan Anh Tuấn

Giả thiết thứ nhất

Nếu kết quả giám định cho rằng nạn nhân chết trước khi bị ném xuống sông thì có hai khả năng xảy ra:

Khả năng thứ nhất, bị cáo Tường trong quá trình thực hiện thẩm mỹ trái phép đã vô ý làm chết người thì bị cáo Tường phạm tội Vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS). Điều 242 BLHS là một điều luật qui định nhiều tội danh (Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác). Do đó, cần định tội danh chính xác đối với bị cáo Tường. 

Trong trường hợp này có các vấn đề cần lưu ý như sau: Bị cáo Tường không có hành vi vi phạm qui định về: khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc cho nên tội danh chính của bị cáo Tường trong vụ án này là Tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác, chứ không phải tội danh “Vi phạm qui định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. 

Ngoài ra, theo tôi, bị cáo Tường không phạm tội xâm phạm thi thể người khác (Điều 246 BLHS) như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố, bởi lẽ việc ném xác chị Huyền xuống sông về bản chất là thủ đoạn che dấu việc phạm tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS) do đó cũng vẫn trong nội hàm của tội danh này chứ không phải cấu thành thêm tội xâm phạm thi thể người khác (Điều 246 BLHS) như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố. Thủ đoạn này có thể là tình tiết tăng nặng là Có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm (điểm o khoản 1 Điều 48 BLHS).

Khả năng thứ hai: Bị cáo Tường vẫn có thể bị xử lý về tội giết người (Điều 93 BLHS) với lỗi cố ý gián tiếp. Trong trường hợp này, phải chứng minh bị cáo nhận thức được việc thực hiện hành vi phẫu thuật thẩm mỹ của mình với một loạt các hành vi như vẫn tiêm thuốc mê khi thấy nạn nhân có biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra. Để chứng minh được dấu hiện này đòi hỏi phải kiểm tra thêm các chứng cứ khác: lời khai của các y tá tham gia phẫu thuật về diễn biến quá trình thực hiện phẫu thuật thẫm mỹ.

Có lẽ, theo tôi, do có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau về việc xác định lỗi của bị cáo Tường trong vụ án là vô ý hay cố ý gián tiếp đối với cái chết của nạn nhân nên Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong khả năng này, bị cáo Tường cũng không phạm thêm Tội xâm phạm thi thể người khác (Điều 246 BLHS) mà chỉ phạm một tội giết người (Điều 93 BLHS mà thôi).

Giả thiết thứ hai

Nếu kết quả giám định cho rằng nạn nhân chết sau khi bị ném xuống sông (chẳng hạn giám định pháp y kết luận nạn nhân chết do ngạt nước) thì cũng có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, bị cáo nhận thức được nạn nhân còn sống mà vẫn ném xuống sông để phi tang hành vi vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS), thì trong trường hợp này việc bị cáo Tường sẽ phạm vào tội giết người (Điều 93 BLHS).

Thứ hai, bị cáo không nhận thức được nạn nhân còn sống mà cho rằng nạn nhân đã chết nên ném nạn nhân xuống sông để phi tang, che dấu hành vi phạm tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS). Đây là trường hợp mà lý luận luật hình sự gọi là sai lầm về khách thể, có nghĩa là bị cáo không có ý định xâm phạm tính mạng của nạn nhân nhưng thực tế lại xâm phạm. Trong trường hợp này, bị cáo phạm hai tội: Tội vi phạm qui định về dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS) và Tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS);

Giả thiết thứ ba

Cơ quan giám định pháp y không thể kết luận được chị Huyền chết trước hay sau khi ném xuống sông. Trong trường hợp này, chúng ta phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để định tội danh đối với bị cáo Tường là nạn nhân đã chết trước khi ném xuống sông. Khi đó, việc định tội danh trở lại như giả thuyết thứ nhất với hai khả năng có thể xảy ra.

Phan Thương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới