Hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trà xuất khẩu Lâm Đồng khốn đốn vì tin đồn chè Việt Nam nhiễm chất độc da cam (dioxin) do báo chí ở Đài Loan, Trung Quốc đưa ra. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), khẳng định trà Việt Nam không nhiễm dioxin.
Âm mưu ép bán giá cao
. Phóng viên: Thưa bà, có không âm mưu và chủ mưu từ việc báo chí Đài Loan, Trung Quốc tung tin đồn trà Việt Nam nhiễm chất dioxin?
+ Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng: Nói thẳng, chủ mưu chính là một số DN sản xuất trà nội địa của Đài Loan và các DN xuất khẩu trà của Trung Quốc. Đài Loan là thị trường xuất khẩu trà lớn thứ hai của Việt Nam. trà Ô Long của Việt Nam đang chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường này với giá rẻ, rẻ hơn cả trà các DN trong nước này sản xuất. Vì vậy hai đối tượng trên muốn cạnh tranh đánh bật trà Việt Nam ra khỏi thị trường bằng cách tung tin đồn trà Việt nhiễm chất dioxin. Dù chưa có căn cứ nhưng người tiêu dùng nước này hoang mang, buộc cơ quan hải quan Đài Loan kiểm chặt những lô hàng trà Việt nhập vào. Họ sẽ tăng tần suất kiểm từng lô hàng một khiến DN nước ta tốn nhiều thời gian, chi phí và chịu sức ép trong việc bảo quản hàng, khó giao hàng đúng tiến độ ký kết với nhà nhập khẩu. Từ đó DN trà Việt Nam phải xuất khẩu với giá cao.
Đài Loan đang cho phép nhập khẩu trà Ô Long từ Trung Quốc sau nhiều năm cấm nhập. DN xuất khẩu trà Trung Quốc đang giá cao hơn trà Việt Nam nên khó cạnh tranh. Họ đang cố tạo ra những rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu trà Việt Nam. Và khi trà Việt Nam phải xuất khẩu giá cao vì tốn nhiều chi phí thì chính nhà xuất khẩu trà Trung Quốc sẽ được hưởng lợi. Báo chí Đài Loan và Trung Quốc đang cố tình bịa đặt thông tin nhằm bảo vệ ngành sản xuất của họ. Tuy chỉ là tin đồn nhưng điều này đã tạo ra cái “bẫy truyền thông” gây ảnh hưởng đến uy tín chất lượng trà Việt Nam để họ đạt được mục đích.
Thu hoạch trà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh: TRỊNH VĂN TRUNG
Trà Việt Nam không nhiễm chất dioxin
. Hiện trà Việt Nam xuất khẩu phải qua những khâu kiểm tra nào, thưa bà?
+ trà cũng giống như các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác đều phải thông qua khâu kiểm dịch thực vật đảm bảo không có sâu bọ, nhiễm dịch bệnh… Phải đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, chế biến đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trà tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều được cơ quan bảo vệ thực vật kiểm định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất cấm.
Ngoài ra, trà xuất khẩu đến thị trường nào phải tuân thủ những yêu cầu từ các nước nhập khẩu. Như thị trường khó tính Mỹ, Nga, Đức họ yêu cầu trà Việt Nam phải đem kiểm tra mẫu tại cơ quan độc lập ở nước họ với giá rất cao, hơn 200 USD/mẫu; có nước thì phải theo tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của nước họ.
Từ lâu Mỹ là nước đầu tiên lấy mẫu đất kiểm tra về chất dioxin, vì hơn ai hết họ hiểu mức độ nguy hiểm của nó. Họ đã tiến hành kiểm mẫu đất ở nhiều vùng có khả năng nhiễm dioxin cao, nơi bị rải chất độc này nhiều nhất như vùng Quảng Trị, Tây Nguyên… Kết quả an toàn thì họ mới nhập trà, cà phê và nhiều nông sản khác của Việt Nam từ nhiều năm nay. Ngay như Nhật Bản, nhiều công ty đang trồng các loại rau quả ở Lâm Đồng cũng đã kiểm mẫu đất và kết quả phân tích cho thấy đất ở đây an toàn đủ tiêu chuẩn trồng những loại cây hữu cơ. Vì vậy, tin đồn trên hoàn toàn bịa đặt nhằm hạ uy tín trà Việt Nam.
. Biện pháp của Việt Nam đối phó lại tin đồn và khó khăn cho DN, người trồng trà nước ta ngay lúc này là gì?
+ VITAS đã gửi văn bản sang Hiệp hội Chè Đài Loan, yêu cầu đính chính lại thông tin, làm rõ tin đồn gây thất thiệt đối với trà xuất khẩu Việt Nam từ những đơn vị truyền thông. Cách đây 10 năm, truyền thông Đài Loan cũng từng tung tin đồn với nội dung như trên, hiệp hội đã gửi văn bản đề nghị làm rõ và sau đó báo chí nước này đã thông tin lại trà Việt Nam không nhiễm dioxin.
Hiệp hội đang làm việc với tỉnh Lâm Đồng nhằm trấn an DN, người trồng trà và phản bác tin đồn trên. Đồng thời có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ thông tin tuyên truyền.
. Xin cám ơn bà.
Xuất khẩu trà đạt gần 165 triệu USD Theo Bộ NN&PTNT, ba thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng trà Việt Nam là Pakistan, Đài Loan, Nga. Chín tháng đầu năm, xuất khẩu trà sang Đài Loan đạt hơn 24 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và chiếm gần 15% tổng kim ngạch. Xuất khẩu vẫn bình thường Các lô hàng trà xuất khẩu sang Đài Loan đang được kiểm tra, việc xuất khẩu thông quan vẫn đang diễn ra bình thường. Công ty đã nhận được công văn của Hiệp hội chè Việt Nam trấn an về tin đồn sai sự thật trên. Hiện chè của công ty xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau như Pakistan, Nga, Mỹ và cả Trung Quốc nên công ty không bị ảnh hưởng nhiều bởi tin đồn. Bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những DN Đài Loan tại Việt Nam chỉ xuất sang Đài Loan. Đại diện Công ty CP Chè Lâm Đồng Bẫy truyền thông Tin đồn trà nước ta nhiễm chất dioxin đã được tung ra từ đầu tháng 11-2014. VITAS đã nhận được thông tin trên rất sớm. Rất mừng là báo chí đã thông tin riêng cho hiệp hội kịp thời có giải pháp xử lý mà không đăng lên mặt báo gây bất lợi cho ngành trà. Song mấy hôm nay một số tờ báo khác lại đưa thông tin này. Nếu đã là tin đồn thì mong các cơ quan báo chí cân nhắc khi đăng thông tin, loại bỏ những thông tin sai sự thật gây bất lợi cho ngành sản xuất trong nước. Như thông tin trà nhiễm chất dioxin là rất nguy hiểm (vì đây là chất độc). Khi đã lên mặt báo, thông tin truyền đi sẽ làm các thị trường tiêu thụ trà Việt Nam bất an, người trồng trà, DN nước ta bất lợi. Đáng lưu ý hơn là các nước tiêu thụ trà sẽ cho rằng ngay cả báo chí Việt Nam cũng thông tin thì độ bất an càng tăng. Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, Phó Chủ tịch Hiệp hộiChè Việt Nam - VITAS |