Tín dụng đen vươn ‘vòi bạch tuộc’, lãi suất ‘cắt cổ’ hơn 1.000%/năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa đăng tải thông tin liên quan đến việc cảnh báo người dân trước các thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen”.

Lãi suất “cắt cổ”, thủ đoạn manh động

Theo đó, “tín dụng đen” được hiểu là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định. Việc này được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính.

Tín dụng đen vươn "vòi bạch tuộc’", lãi suất "cắt cổ" hơn 1.000%/năm. Ảnh minh họa: PLO

Hiện nay, một số loại vay “tín dụng đen” phổ biến như vay tiền góp, nghĩa là vay ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày; “vay nóng”, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, sau đó có thể thỏa thuận gia hạn thêm; hoặc vay mua xổ số (hay “đề đóm”), khi con nợ không có khả năng trả thì ép viết giấy nợ, tính lãi cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ…

Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động với cách tính lãi và lãi suất tương tự như các hình thức đã nêu.

Lãi suất trong các trường hợp này được tính trung bình từ 146%/năm đến 547.5%/năm, cá biệt có vụ lãi xuất được tính tới 1.095%/năm, cao gấp nhiều lần mức lãi suất tối đa 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thực tế cho thấy các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính; các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi). Những người này thường đưa ra các hình thức để thu hút vốn từ người dân như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn đề đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao.

Vì sao “tín dụng đen” ngày càng phức tạp?

Có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động “tín dụng đen” ngày càng phức tạp. Điển hình, nhiều người khó tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng vì nguồn tín dụng hợp pháp này đòi hỏi những điều kiện rất chặt chẽ; ngược lại “tín dụng đen” là có lãi suất cho vay cao nhưng thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản.

Khách hàng của “tín dụng đen” thường đang ở trong hoàn cảnh “cùng quá hóa quẫn”, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện, miễn có tiền giải quyết nhu cầu nóng và thường không nhận thức được mối nguy hiểm phía sau.

Ngoài ra, thủ đoạn phạm tội của “tín dụng đen” càng ngày càng tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Một số bị hại trong quá trình vay mượn thường giấu thông tin, thậm chí không hợp tác với cơ quan điều tra, hoặc bị các đối tượng đe dọa khống chế nên không dám tố giác, trình báo do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính… Đến khi cơ quan công an phát hiện, chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Chưa kể là một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này, như thời gian điều tra ngắn, trang thiết bị phục vụ cho việc điều tra vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ…

Để đấu tranh hiệu quả với “tín dụng đen”, công an cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng để cảnh tỉnh người dân biết về những hệ quả của hoạt động tín dụng này; đồng thời cần đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân bằng việc mở rộng các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý.

Cùng với đó, xác lập các chuyên án tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…; nâng cao kỹ năng của cán bộ, chiến sỹ trực tiếp đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”; tăng cường trang bị cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra…

4 giải pháp ngăn chặn tín dụng đen
4 giải pháp ngăn chặn tín dụng đen
(PLO)- Giải pháp then chốt cho việc triệt phá nạn tín dụng đen là cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng cung cấp các gói tín dụng vi mô giúp người nghèo theo mô hình mà nhà kinh tế học Muhammad Yunus đã áp dụng thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm