Tín dụng địa phương “tắc” vì quy định không dùng tiền mặt

Ngoài ra, các ngân hàng (NH) cũng đặc biệt ưu tiên giảm lãi suất cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, số lượng thống kê cho thấy việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) chưa tới 50%.

Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Long, chủ tịch tỉnh này từng cho biết trong số DN đang hoạt động tại khu vực này chỉ có 27% DN tiếp cận được nguồn vốn. Như vậy số DN tiếp cận quá ít và có tới 63% số DN không tiếp cận được nguồn vốn NH.

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định nguyên nhân số DN không tiếp cận được vốn là do phương án kinh doanh không khả thi, không có tài sản thế chấp, làm ăn thua lỗ kéo dài, nợ xấu… và do đầu ra không có. Trong khi các DN khi thành lập chỉ có tới 20% vốn tự có, còn lại là dựa vào NH. Nên khi kinh tế khủng hoảng, DN khó chống đỡ được.

Thế nhưng PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, chuyên gia tài chính NH, cho rằng ngoài các nguyên nhân trên còn một lý do quan trọng khác là Thông tư số 09 của NHNN Việt Nam có hiệu lực từ 1-6-2012. Theo đó, yêu cầu NH chỉ được giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay dưới 100 triệu đồng cho một lần giải ngân. Cùng với việc hạn chế giải ngân bằng tiền mặt, thông tư này NHNN cũng nêu rõ trách nhiệm của khách hàng vay vốn là phải cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng từ… Hay nói cách khác, nếu giải ngân từ 100 triệu đồng trở lên phải giải ngân qua NH. Chẳng hạn DN muốn vay 150 triệu đồng để mua sắm một số trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh, NH sẽ chuyển trực tiếp đến những nơi mà DN này sẽ mua.

“Với DN tại các TP lớn việc này dễ dàng hơn, tuy nhiên với các DN nhỏ ở vùng xa như tại ĐBSCL họ chưa thực sự quen với việc này. Việc hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt là điều tốt, hơn nữa việc kiểm soát chặt chẽ đảm bảo dòng tiền đi đúng mục đích. Tuy nhiên, ở rất nhiều nơi, người bán hàng không dùng tài khoản thì làm sao để nhận tiền” - bà Dao nói.

Y.TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm