Ngày 7-1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đến thăm Myanmar và hội đàm với người đứng đầu chính quyền quân sự Min Aung Hlaing. Chuyến thăm đã đạt được một số tín hiệu khả quan cho tình hình Myanmar, tờ Khmer Times đưa tin.
Theo phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar - ông Zaw Min Tun, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm trong 140 phút đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, về các nỗ lực hòa bình, kế hoạch tương lai của quân đội, cũng như vai trò của đặc phái viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng đặc phái viên của ASEAN có thể tham gia vào tiến trình thiết lập hòa bình tại Myanmar.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) hội đàm với Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: AFP
Theo thông cáo sau cuộc họp, Thống tướng Min Aung Hlaing nói với ông Hun Sen rằng chính quyền Myanmar đã tuyên bố với tất cả các tổ chức vũ trang dân tộc rằng chính quyền sẽ ngừng bắn trong 5 tháng cho đến cuối tháng 2 năm 2022 và quyết định gia hạn thêm cho đến cuối năm 2022.
Thủ tướng Campuchia nhiệt tình ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của tướng Min Aung Hlaing với tất cả các bên liên quan "nhằm giảm căng thẳng và xúc tiến các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan để đạt được hòa bình lâu dài và phát triển quốc gia".
Chuyến thăm của ông Hun Sen là nỗ lực đầu tiên của Campuchia với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2022 nhằm xoa dịu căng thẳng ở Myanmar.
Đây là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm và làm việc tại Myanmar kể từ khi chính biến xảy ra ở nước này vào hồi tháng 2-2021.
Trước chuyến đi, ông Hun Sen cho biết ông sẽ nhấn mạnh "đồng thuận 5 điểm" mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý vào năm 2021 như một biện pháp giảm căng thẳng tình hình ở Myanmar. Theo đó, ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.