Theo hãng tin AFP, thông tin trên được ông Rick Ledgett, người đứng đầu nhóm đặc trách điều tra thiệt hại do các tiết lộ từ Snowden gây ra, công bố trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS của Mỹ. Dù vậy, đây là quan điểm của cá nhân ông chứ không phải của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).
“Quan điểm của cá nhân tôi đó là đúng, việc đối thoại về một thỏa thuận tiềm tàng là đáng thực hiện”, Ledgett nói. Toàn bộ buổi phỏng vấn sẽ được CBS phát sóng trong ngày 15/12.
Nhưng để đổi lại, Snowden sẽ phải đảm bảo chắc chắn rằng những tài liệu còn lại sẽ được đảm bảo. “Tiêu chuẩn của tôi đối với sự bảo đảm đó là rất cao, không chỉ là một sự cam kết từ phía cậu ta”, Ledgett cho biết.
Snowden, một cựu nhà thầu tình báo cho NSA, đã bị chính quyền Mỹ khởi tố về tội danh làm gián điệp sau khi tiết lộ hàng loạt hồ sơ mật.
Đến nay, công dân Mỹ này đã được tị nạn tại Nga và khẳng định rằng mình công bố tài liệu mật vì chỉ muốn công chúng tranh luận và phơi bày hoạt động theo dõi rất rộng rãi của NSA.
Dù vậy giám đốc NSA, tướng Keith Alexander đã từ chối ý tưởng về bất kỳ ân xá nào dành cho Snowden.
“Việc này cũng giống như việc một kẻ bắt cóc 50 con tin, bắn 10 người và nói “các người phải ân xá toàn bộ cho tôi thì tôi mới thả 40 người kia”, ông Alexander nói. Vị lãnh đạo NSA cho rằng một thỏa thuận ân xá như vậy sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các vụ rò rỉ thông tin trong tương lai.
Vị tướng tình báo Mỹ cho biết ông đã đệ đơn từ chức sau khi các thông tin bị tuồn cho báo giới, nhưng Tổng thống Mỹ Obama đã từ chối lá đơn này.
Ước tính số tài liệu mật mà Snowden đã lấy được lên tới 1,7 triệu tài liệu và Ledgett cho biết ông “không tranh cãi” về con số đó.
Theo biên tập viên tờ Guardian của Anh, khoảng 58.000 tài liệu mà Snowden lấy được đã đến tay các hãng truyền thông.
Theo Thanh Tùng (Dân trí /AFP)