Vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên thực hiện tháng 9-2017 được cho là quá mạnh đến nỗi làm hư hỏng nghiêm trọng một bãi thử dưới ngọn núi Mantap ở vùng Đông Bắc nước này.
Một người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hôm 3-9-2017. Ảnh: AP
Hãng tin Reuters ngày 28-4 dẫn lời hai quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết Triều Tiên có lẽ mở lại bãi thử hạt nhân đã sập tan tành sau năm vụ thử hạt nhân, mới nhất là vụ thử hôm 3-9-2017. Năm trong sáu vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên đã được tiến hành dưới ngọn núi Mantap tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Đông Bắc Triều Tiên.
Các quan chức tình báo Mỹ chỉ ra rằng không có lý do gì kết luận bãi thử Punggye-ri không còn hoạt động nữa dù rằng đã xảy ra một số bất ổn về địa chất gây ra bởi các vụ thử hạt nhân.
Theo các quan chức tình báo Mỹ, bãi thử Punggye-ri có thể được kích hoạt trở lại trong thời gian tương đối ngắn, song nói thêm nếu Bình Nhưỡng hứa hẹn chấm dứt thử hạt nhân, có thể thông qua hệ thống giám sát hiện hành để tìm hiểu rõ liệu bãi thử không thể hoạt động được vĩnh viễn hay chỉ là đóng cửa.
Các bình luận trên đưa ra sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần trước tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ đình chỉ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Để đảm bảo lời hứa này là thật, Bình Nhưỡng đã cam kết đóng cửa bãi thử Punggye-ri, một động thái xuất hiện trước cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay làng đình chiến Bàn Môn Điếm tại biên giới liên Triều. Hai nước tại cuộc gặp đã nhất trí thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), hai nhóm nhà khoa học Trung Quốc phát hiện thấy ngọn núi Mantap tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã sụp đổ, dẫn đến nguy cơ Trung Quốc và các nước lân cận đối mặt nhiễm phóng xạ chưa từng có.
Một nhà nghiên cứu bình luận ngọn núi sụp đổ có thể là nguyên nhân tại sao lãnh đạo Kim Jong-un hôm 20-4 tuyên bố sẽ đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đồng thời đóng luôn bãi thử.