Tinh gọn bộ máy, TP.HCM dự kiến giảm 24 đảng bộ, 8 sở và 5 cơ quan hành chính

(PLO)- Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có định hướng sắp xếp bộ máy bước đầu, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương, trong đó nghiên cứu đề xuất sắp xếp theo hướng Trung ương có Bộ nào thì TP có Sở tương ứng.

Chiều 4-12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai việc tổng kết Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại TP.HCM.

Giảm 24 Đảng bộ

Tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đã thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại TP.

Toàn cảnh hội nghị, chiều 4-12. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy định hướng việc sắp xếp bộ máy phải bám sát chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, về bộ máy chính quyền, nghiên cứu đề xuất sắp xếp theo hướng Trung ương có bộ nào thì TP có sở tương ứng. Đảm bảo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, nhiều tổ chức trung gian…

Đồng thời, nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), đơn vị thuộc Thành ủy, UBND TP; định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan cấp huyện phù hợp với định hướng chung.

Trong quá trình xây dựng đề án, có tổ chức đánh giá tác động, nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết phù hợp với đặc thù của TP.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: THUẬN VĂN

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có định hướng việc sắp xếp bước đầu như sau:

Về khối đảng, sáp nhập Ban Tuyên giáo vào Ban Dân vận Thành ủy; nghiên cứu kết thúc hoạt động của 11 Đảng Đoàn, ba Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP.

Thành lập mới hai Đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm Đảng bộ cơ quan Đảng Đoàn thể Tư pháp TP và Đảng bộ Khối Chính quyền TP.

Theo đó, chuyển các tổ chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức Đảng, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng Đoàn thể Tư pháp TP.

Chuyển các tổ chức Đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP và 24 Đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ Khối Chính quyền.

Ba Đảng bộ Quân sự, Công an, Bộ đội biên phòng TP được giữ như hiện nay.

Các Đảng bộ được chuyển về Đảng bộ Khối Chính quyền gồm: các Đảng bộ cấp trên cơ sở ở các Tổng công ty nhà nước, Đảng bộ Lực lượng TNXP, Liên hiệp các hợp tác xã thương mại, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Cục Hải quan, Viễn thông, Bưu điện, Đại học quốc gia, Khối Đại học – Cao đẳng TP; Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương TP, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp TP, Đảng bộ khối cơ sở Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT; Đảng bộ Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-B&XH, Sở GTVT.

Nghiên cứu chuyển giao một số tổ chức cơ sở Đảng và loại hình doanh nghiệp sự nghiệp về trực thuộc các Quận, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ TP.HCM còn 27 Đảng bộ trực thuộc, giảm 24 Đảng bộ.

Giảm 8 Sở, 5 cơ quan hành chính

Về Khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có Bộ nào thì TP có Sở tương ứng

Theo đó, sẽ nghiên cứu sáp nhập 10 Sở, kết thúc hoạt động 2 Sở; nghiên cứu sắp xếp các cơ quan: Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP và Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông TP.

Cụ thể, nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính và Sở KH&ĐT, chuyển đổi Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở GTVT, Sở Xây dựng và Sở QH-KT; chuyển Văn phòng thường trực Ban ATGT thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở TN&MT, Sở NN&PTNN để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; chuyển một số nhiệm vụ khác của hai Sở này về các Sở, cơ quan có liên quan và chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở VH&TT; nghiên cứu sáp nhập Sở TT&TT và Sở KH&CN để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; chuyển một số nhiệm vụ khác về các Sở VH&TT, Sở GD&ĐT và các cơ quan có liên quan

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của sở LĐ-TB&XH, chuyển nhiệm vụ về Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở VH&TT.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Sở ATTP, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN&PTNN, Sở Công Thương.

Nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc TP; sáp nhập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP và Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết nếu thực hiện theo phương án này, TP.HCM sẽ giảm 8 Sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP.

Ngoài ra, nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP gồm các ban quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế… Nghiên cứu cách thức hoạt động sáp nhập đối với một số ban chỉ đạo cấp thành, chỉ giữ lại Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Từng cơ quan, đơn vị trực thuộc TP xây dựng đề án sắp xếp đơn vị trực thuộc.

Với cấp huyện, TP.HCM nghiên cứu, xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng: Đề xuất sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo; thành lập Đảng bộ khối Đảng, Đoàn thể, Tư pháp cấp huyện và Đảng bộ Khối Chính quyền cấp huyện. Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập phòng Kinh tế và phòng Tài chính - Kế hoạch; kết thúc hoạt động đối với phòng LĐ-TB&XH.

Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc quận, huyện. Riêng TP Thủ Đức có nghiên cứu, đề xuất phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết thông tin việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tiến hành song song với công tác Đại hội Đảng bộ và các công tác thường xuyên khác. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện.

Đó là hoàn thành công tác kiểm điểm, phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và đánh giá cán bộ năm 2024 gửi về Ban Tổ chức chậm nhất vào ngày 15-12.

Các tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy tập trung triển khai chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy trong các đơn vị trực thuộc, quán triệt kỹ, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên khi xây dựng đề án và triển khai thực hiện… Các đơn vị gửi đề án cho Ban Tổ chức Thành ủy trước ngày 20-12.

Ban Cán sự Đảng UBND TP xây dựng báo cáo thực hiện Nghị quyết 18, đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ quan chính quyền TP, các sở …, gửi Ban Tổ chức Thành ủy trước ngày 20-12.

Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức, các cơ quan, đơn vị thuộc TP không thuộc diện kết thúc hoạt động sáp nhập, xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị, trình Ban Thường vụ trước 20-12.

Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy thuộc diện sắp xếp phối hợp với ban tổ chức Thành ủy, cơ quan đơn vị có liên quan xây dựng đề án sắp xếp của đảng bộ mình trình Ban thường vụ Thành ủy xem xét.

Sau khi có kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện tiếp tục chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài liệu, hồ sơ… theo quy định.

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; phối hợp Sở Nội vụ TP tham mưu xây dựng chính sách cho cán bộ, đảng viên, các đối tượng thuộc diện phải sắp xếp, trình Ban Thường vụ Thành ủy vào cuối năm nay.​

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới