Trong thông điệp gửi tới người dân Mỹ nhân Quốc khánh, ông Trump tuyên bố nước Mỹ đang trên đường giành "thắng lợi to lớn" trước "đại dịch khủng khiếp đến từ Trung Quốc".
Ông Trump nói rằng bốn tháng trước, trước khi Mỹ bị dịch bệnh COVID-19 tấn công thì "đất nước này đã làm tốt hơn bất kỳ quốc gia nào từng làm trong lịch sử".
"Bây giờ chúng ta đang tiến gần đến việc chiến đấu để thoát khỏi nó" - ông Trump nói trong thông điệp mừng ngày Quốc khánh Mỹ.
Mỹ lo ngại dịch bệnh sẽ kinh khủng hơn sau Quốc khánh
Bất chấp giọng điệu lạc quan của ông Trump trong ngày 4-7, nước Mỹ đã trải qua ngày ba ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục với hơn 50.000 trường hợp. Texas và Florida là hai bang báo cáo số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, theo hãng tin Reuters.
Bang Los Angeles đã ra lệnh đóng cửa các bãi biển vào cuối tuần này vì lo ngại sẽ có nhiều người dân đổ xô ra biển trong ngày lễ và gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Cảnh sát được cử tuần tra ở các bãi biển để đảm bảo người dân tuân thủ quy định mới. Những người vi phạm có thể bị phạt tới 1.000 USD. Mặc dù vậy, một số người dân vẫn ra tắm nắng ở dọc các lối đi ra bãi biển bất chấp các cảnh báo từ cơ quan y tế.
Rải rác người dân đi tắm biển tại bãi biển Myrtle ở bang South Carolina hôm 4-7. Ảnh: GETTY
Tại bang Texas, Thẩm phán quận Harris Lina Hidalgo đã ban hành lệnh toàn quận cấm tụ tập ngoài trời với nhóm nhiều hơn 10 người, ngoại trừ một số hoạt động trong ngày Quốc khánh. Tuy nhiên, lệnh chỉ cho phép nhóm hơn 100 người tụ tập xem pháo hoa ngày lễ nếu họ ngồi yên bên trong xe hơi, theo đài CNN.
Ngày 3-7, Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã có mặt tại núi Rushmore để khởi động các sự kiện kỷ niệm Quốc khánh Mỹ 4-7. Có khoảng 7.500 người tham dự sự kiện này, bất nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Ban tổ chức sự kiện sẽ phát khẩu trang miễn phí cho những người tham dự sự kiện. Tuy nhiên họ không quy định về khoảng cách xã hội tối thiểu để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Đến sáng 4-7, nhiều người dân Mỹ cũng đã tham dự sự kiện mừng Quốc khánh tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng. Khách tham dự sự kiện đa phần đều không mang khẩu trang và không tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội dù trước đó Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere nói rằng Nhà Trắng sẽ đảm bảo giãn cách xã hội trong dịp lễ lần này.
Nhiều người tham dự sự kiện mừng Quốc khánh tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng không mang khẩu trang và không tuân thủ giãn cách xã hội. Ảnh: AP
Mặc dù Nhà Trắng vẫn chưa trả lời đài CNN rằng liệu khách mời tham dự sự kiện này được đo thân nhiệt hay chưa, nhưng tất cả phóng viên đến dự sự kiện đều không được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào Nhà Trắng.
Các chuyên gia y tế Mỹ lo ngại rằng dịch bệnh sẽ lại bùng phát mạnh hơn sau đợt lễ Quốc khánh lần này do bởi nhiều người sẽ tụ tập ăn mừng bất chấp các khuyến cáo mà Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra trước đó.
Sáng ngày 3-7, Mỹ đã báo cáo 57.232 trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Đây là một kỷ lục về số ca nhiễm trong một ngày được ghi nhận trên toàn cầu. Số ca nhiễm vẫn tăng ở hầu hết các bang ở Mỹ khiến một số thống đốc phải dừng lại việc mở cửa lại nền kinh tế bang.
Số người nhiễm COVID-19 vượt quá 11 triệu người
Trang thống kê Worldometer dẫn số liệu từ các nước cho thấy số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 11.380.550 người vào hôm 5-7, với số người chết đã lên đến 533.449.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), số người nhiễm bệnh COVID-19 trong bảy tháng qua hiện đã cao gấp đôi số người nhiễm bệnh cúm hàng năm trên thế giới.
Số người chết vì dịch COVID-19 ở Mỹ chiếm gần 1/4 số ca tử vong trên toàn cầu với 132.318 ca tử vong. Số ca nhiễm ở nước này đã là 2.935.770, cao nhất thế giới hiện nay.
7.500 người Mỹ tham dự sự kiện mừng Quốc khánh tổ chức tại núi Rushmore hôm 3-7. Ảnh: AFP
Quốc gia bị đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề thứ hai là Brazil với 1.578.376 ca nhiễm, chiếm 23% tổng số người mắc bệnh trên toàn cầu và 64.365 ca tử vong. Nga sáng 5-7 cũng đã báo cáo số người tử vong vượt qua 10.000 người trong khi số ca nhiễm bệnh ở nước này đã là 674.515.
Ấn Độ đã trở thành tâm dịch mới ở châu Á, với số ca nhiễm đã lên tới 673.904, xếp thứ tư thế giới.
Các chuyên gia y tế lo ngại rằng số ca nhiễm và tử vong thực tế còn cao hơn nhiều con số được báo cáo do bởi một số quốc gia vẫn chưa triển khai xét nghiệm trên diện rộng.