Tình hình Nga - Ukraine diễn tiến khó lường

(PLO)- Xung đột Nga - Ukraine ngày càng diễn tiến khó lường sau khi bốn tỉnh Ukraine kết thúc trưng cầu dân ý với kết quả đồng ý sáp nhập vào Nga; trong khi đó, Liên Hợp Quốc và phương Tây bác kết quả trưng cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-9, bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhia kết thúc năm ngày trưng cầu dân ý với kết quả đồng ý sáp nhập vào Nga, đài RT đưa tin. Theo kết quả chính quyền do Nga bổ nhiệm công bố, tỉ lệ ủng hộ sáp nhập vào Nga ở Donetsk là 99%, ở Luhansk là 98%, ở Zaporizhia hơn 93% và ở Kherson là 87%.

Đã có tỉnh gửi Nga đề xuất sáp nhập

Trong ngày 27-9, người đứng đầu chính quyền Zaporizhia - ông Yevgeny Balitsky thông báo rằng tỉnh này đã đệ đơn đề xuất được trở thành một khu vực của Nga. “Cuộc trưng cầu dân ý hôm nay đã hoàn thành việc Zaporizhia ly khai khỏi Ukraine. Chúng tôi đã đệ trình yêu cầu này với Moscow và đang chờ quyết định của chính phủ Nga” - ông Balitsky nói.

Người dân tỉnh Luhansk (Ukraine) đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Ảnh: SPUTNIK

Người dân tỉnh Luhansk (Ukraine) đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga. Ảnh: SPUTNIK

Ngày 27-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng quan điểm của Moscow đối với cuộc trưng cầu dân ý tại bốn tỉnh Ukraine về khả năng sáp nhập vào Nga là nhằm bảo vệ người dân địa phương và mang lại hòa bình cho khu vực. Ông Putin cho rằng việc lo ngại về “mạng sống” của người dân ở bốn tỉnh Ukraine là hoàn toàn “tự nhiên” trước “các sự kiện kịch tính” gần đây, theo đài RT.

Trong ngày 27-9, Moscow lần nữa cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị đẩy đi quá giới hạn của mình, xuất hiện hành động gây hấn với Nga mà “sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa”. Trước đó Nga đã cảnh báo rằng nếu bốn tỉnh Ukraine đồng ý sáp nhập vào Nga thì Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào những khu vực đó là tấn công lãnh thổ Nga và sẽ đáp trả để tự vệ.

Về khả năng đàm phán, ngày 27-9, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga vẫn sẵn sàng đàm phán với Ukraine dù tình hình và điều kiện đang thay đổi, song các mục tiêu của Nga vẫn được giữ nguyên, theo hãng tin Sputnik.

Ukraine, LHQ và phương Tây bác kết quả trưng cầu

Ngày 27-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết bác bỏ kết quả các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga, theo RT. Ông Zelensky nhắc lại rằng sẽ hủy mọi cơ hội đàm phán hòa bình nếu Nga công nhận kết quả, kêu gọi thế giới không công nhận và gửi thông điệp mạnh chống lại các hành động của Nga.

Theo RT, nhiều người từ Pháp, Cộng hòa Czech, Hà Lan, Brazil và một số nước khác đã đến bốn tỉnh ly khai Ukraine để quan sát quá trình bỏ phiếu.

Ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ không bị ảnh hưởng từ các mối đe dọa hạt nhân và sẽ tiếp tục kế hoạch giành lại tất cả phần lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ bảo vệ mọi tấc đất lãnh thổ, bất kể mọi tình huống. Ông cho biết hội đồng sẽ sớm ban hành bộ hướng dẫn hành động cho người dân trong trường hợp Nga tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Ukraine.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, phát biểu tại cuộc họp ngày 27-9 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về Ukraine, bà Rosemary DiCarlo, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, cho biết LHQ vẫn giữ vững cam kết với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Theo Phó Tổng thư ký LHQ DiCarlo, không thể xem các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh Ukraine là “biểu hiện thực sự nguyện vọng của nhân dân”, vì hoạt động trưng cầu dân ý diễn ra trong khi xung đột vẫn tiếp diễn, tại các khu vực chịu sự kiểm soát của Nga, nằm ngoài khuôn khổ luật pháp và hiến pháp của Ukraine.

“Tôi xin nhắc lại ở đây rằng LHQ vẫn hoàn toàn giữ vững cam kết đối với chủ quyền, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong các biên giới được quốc tế công nhận, phù hợp với các nghị quyết liên quan của LHQ” - Phó Tổng thư ký LHQ DiCarlo nhấn mạnh.

Ngày 27-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rõ quan điểm của Mỹ là các cuộc trưng cầu dân ý này không hợp lệ, sẽ không bao giờ công nhận kết quả, đồng thời không phản đối việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây nhắm vào bốn khu vực đòi sáp nhập vào Nga. Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Ukraine giành lại quyền kiểm soát đối với những vùng đã bị Nga chiếm, trong đó có cả bốn tỉnh ly khai.

Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ ai liên quan tới các cuộc trưng cầu dân ý, theo RT. Các quan sát viên nước ngoài, bao gồm cả các công dân EU sẽ đối mặt nguy cơ bị trừng phạt nếu bị phát hiện có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho quá trình trưng cầu. Theo RT, nhiều người từ Pháp, Cộng hòa Czech, Hà Lan, Brazil và một số nước khác đã đến bốn tỉnh ly khai Ukraine để quan sát quá trình bỏ phiếu. Nội dung trừng phạt này sẽ được đưa vào gói trừng phạt tiếp theo của EU với Nga.•

Hình dung các bước thủ tục sáp nhập vào Nga

Quá trình sáp nhập bốn tỉnh Ukraine vào Nga có thể mất một thời gian vì thủ tục sáp nhập gồm nhiều bước và phải được chính phủ, Quốc hội Nga phê chuẩn, theo đài RT.

Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho biết một khi các khu vực đệ trình đề xuất sáp nhập, tổng thống sẽ thông báo cho quốc hội và chính phủ.

Một khi các bên đạt được thỏa thuận chính trị về việc sáp nhập, các dự thảo hiệp ước quốc tế về việc sáp nhập sẽ được soạn. Các dự thảo này sẽ đề cập các nội dung như tên và tình trạng của các vùng lãnh thổ mới, quyền công dân, hoạt động của các cơ quan công quyền, hoạt động của pháp luật...

Một khi các dự thảo này được ký, Tòa án Hiến pháp Nga cần xác minh xem chúng có tuân thủ luật tối cao của đất nước hay không. Nếu không có vi phạm nào, Quốc hội Nga sẽ phê chuẩn thông qua các dự thảo.

Đồng thời, một dự thảo luật hiến pháp liên bang về việc sáp nhập các lãnh thổ mới vào Nga cần được đệ trình lên hạ viện Nga. Nếu hạ viện thông qua, dự thảo luật hiến pháp sẽ tiếp tục được trình lên thượng viện xem xét. Theo ông Kosachev, luật hiến pháp liên bang có hiệu lực không sớm hơn hiệu lực của các hiệp ước quốc tế.

Ngày 23-9, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói ông tin rằng quá trình này sẽ diễn ra “đủ nhanh”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm