Tỉnh Yên Bái chi 100 triệu đồng/người nhưng không tuyển dụng được

(PLO)- Tỉnh Yên Bái có chính sách thu hút tuyển dụng mới giáo viên (GV) tiếng Anh, tin học lên vùng cao với mức 100 triệu đồng/trường hợp nhưng vẫn không tuyển được.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới chiều 18-8, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái cho biết để giải quyết tình trạng thiếu GV, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong đó thực hiện chính sách thu hút nhưng không có người ứng tuyển.

Có chính sách thu hút nhưng không có nguồn tuyển

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình: NGUYỄN QUYÊN

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình: NGUYỄN QUYÊN

“Tổng số GV của tỉnh mới chỉ đạt 86,5% so với định mức. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt với tổng chỉ tiêu là 2.532. Tuy nhiên, con số đăng ký chỉ có 1.359 chiếm 53,7%, số trúng tuyển là 726 chiếm 53,4%, chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được tuyển” - ông Duy nói và cho biết GV tiếng anh, tin học thu hút lên vùng cao tuyển mới với mức 100 triệu/trường hợp nhưng không có ai tham gia.

Cũng theo ông Duy, ngoài thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu thốn cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạỵ học. Một số chính sách đặc thù dành cho các trường thuộc địa bàn khó khăn còn bất cập.

Từ những khó khăn trên, tỉnh Yên Bái đề xuất một số vấn đề.

Đối với Chính phủ, tiếp tục quan tâm giao bổ sung biên chế, đảm bảo đủ định mức và kèm theo đó lộ trình tinh giảm biên chế theo chỉ đạo của Bộ chính trị. Biên chế được giao đáp ứng 91% nhu cầu theo định mức.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 116 năm 2016 về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở vùng khó khăn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đối với Bộ GD&DT, sửa đổi các thông tư hiện hành quy định về danh mục, khung vị trí việc làm và định mức việc làm cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, không nên quy định định mức chung.

Bên cạnh đó, cho phép các tỉnh miền núi được tuyển vào các huyện vùng cao GV tiểu học, THCS theo chuẩn cũ tức là cử nhân cao đẳng đồng thời có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển giáo viên hiện nay nhất là khu vực miền núi khi số dự tuyển chỉ chiếm hơn 50%.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết dù được giao biên chế gần 600 nhưng tỉnh không thể tuyển dụng được GV nhất là GV các môn học mới.

Một số quy định chưa phù hợp cần phải sửa đổi

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, năm học 2022-2023 ngành giáo dục TP đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay TP còn gặp một số khó khăn. Cụ thể do chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với GV ngoại ngữ, tin học; nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của TP.

Một số quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai gặp phải những bất cập.

Cụ thể, khó khăn vướng mắc khi thực hiện lập chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13 của Bộ GD&ĐT, do chưa có sự thống nhất về về diện tích đất bình quân tối thiểu cho 01 học sinh giữa Thông tư số 13 và các tiêu chuẩn quốc gia. Do đó, kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu điều chỉnh quy định về diện tích đất bình quân tối thiểu cho 01 học sinh tại Thông tư số 13 nhằm phù hợp đặc thù riêng của TP.HCM có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp.

Tại hội nghị, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất một số vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Thứ nhất, với đầy đủ loại hình trường nhiều cấp học, trường chuyên, trọng điểm quốc gia với quy mô tương đối lớn; tuy nhiên, tại Nghị định 120 quy định mỗi đơn vị có không quá 2 cấp phó khiến khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù. Do đó, TP kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế.

Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa SGK và sử dụng SGK điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục. Thứ ba, quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực GD&ĐT. Để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.

Đồng quan điểm với TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép TP sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm