Chiều 7-12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị phổ biến Luật Tố cáo năm 2018 và những quy định pháp luật có liên quan.
Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, đã phổ biến những điểm mới của luật này được sửa đổi từ Luật Tố cáo năm 2011. Ông Trữ phân tích, hướng dẫn cụ thể quy định xử lý trường hợp công chức, viên chức đã chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác.
Cán bộ, công chức TP.HCM dự hội nghị phổ biến Luật Tố cáo chiều 7-12. Ảnh: KP
Trước đây, theo Luật Tố cáo năm 2011 thì chưa quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp như tố cáo việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ... Nay việc này đã được quy định cụ thể trong luật mới.
Luật Tố cáo 2018 cũng bổ sung thêm quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các cơ quan như TAND, VKSND, Kiểm toán Nhà nước…
Toàn cảnh hội nghị phổ biến Luật Tố cáo chiều 17-12. Ảnh: MV
Luật Tố cáo mới có những nội dung và phạm vi điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo…
Luật mới cũng giữ nguyên hai hình thức tố cáo là phải tố cáo bằng đơn hoặc trực tiếp, không chấp nhận tố cáo bằng điện thoại và thư điện tử những đơn từ không hợp lệ..., đối với những tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ tên, địa chỉ thì sẽ không xử lý. Tuy nhiên, thông tin nội dung tố cáo nặc danh mà việc tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm có tài liệu chứng cứ cụ thể thì sẽ chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra.
Quy định mới về việc rút tố cáo, người tố cáo có quyền rút toàn bộ hoặc một phần nội dung tố cáo, tạm đình chỉ, đình chỉ nội dung tố cáo. Đồng thời cũng có những quy định về việc bảo vệ người tố cáo, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo, đảm bảo mọi hành vi vi phạm được ngăn chặn, xử lý kịp thời…