Chiều 30-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Về tố cáo nặc danh, tờ trình của Chính phủ về dự luật cho hay hiện có hai luồng ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Cụ thể, trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Do đó, dự thảo luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.
Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Đào Tú Hoa (Hà Nội) đồng ý với luồng ý kiến thứ nhất là không nên xem xét đối với tố cáo nặc danh. “Việc chấp nhận đơn tố cáo nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị, bởi thông thường đơn nặc danh thường được tung ra vào thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, xã hội” - bà Hoa nói.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) không ủng hộ đưa tố cáo nặc danh vào dự luật vì thực tế cho thấy có rất nhiều tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng uy tín của nhiều tập thể, cá nhân. “Tố cáo nặc danh có cơ sở, kèm theo chứng cứ thì có thể coi đó là tin báo tội phạm để xem xét của cơ quan có thẩm quyền chứ không nên đưa vào luật này” - ông nói.
Theo ĐB Dương Ngọc Hải (TP.HCM), đối với tố cáo mang tính nặc danh mà có sự kiện cụ thể, hành vi vi phạm cụ thể và kèm theo hành vi chứng từ thì phải giải quyết.
ĐB Ngô Tuấn Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng thực tế các đơn tố cáo nặc danh ở các cơ quan rất nhiều. “Nên xem xét xử lý đối với đơn thư nặc danh nhưng không nên quy định, nếu không thì hoạt động của nhiều cơ quan sẽ rối lên” - ông Nghĩa kiến nghị.
Tuy vậy, theo ĐB này, để người tố cáo chính danh hơn cần có quy định bảo vệ khẩn cấp vì trong thực tế có những vụ việc tố cáo bị đe dọa, thậm chí mất mạng. “Tố cáo thẳng thừng, rõ ràng khó lắm vì sợ trù dập, trả thù nên mới dùng nặc danh, mà nặc danh lại không được thừa nhận. Do vậy cần phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo mới phát huy, giải quyết được tiêu cực trong xã hội” - ông nói.