Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) nhằm thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011.
Theo Thanh tra Chính phủ, sự ra đời của Luật Tố cáo đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo. Tuy nhiên, qua hơn bốn năm triển khai thực hiện, Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Tố cáo (bổ sung) là cần thiết.
Đáng chú ý, dự thảo luật lần này có quy định về bảo vệ người tố cáo, đây là một trong những nội dung mới so với Luật Tố cáo 2011. Thanh tra Chính phủ cho rằng các quy định về bảo vệ người tố cáo trong Luật Tố cáo 2011 chưa cụ thể, khó thực hiện, chưa tạo nên thiết chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất…
Một số nội dung liên quan đến quy định này đã được quy định chi tiết trong dự thảo luật. Điển hình, khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình hoặc người thân thích, người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
Yêu cầu bảo vệ của người tố cáo phải bằng văn bản. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể yêu cầu trực tiếp bằng miệng hoặc thông qua các phương tiện thông tin khác nhưng sau đó phải thể hiện ngay bằng văn bản.
Người tố cáo sẽ được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản... Ảnh: Internet
Trường hợp xác định hành vi xâm hại người được bảo vệ đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ sau: bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ an toàn cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết; tạm thời di chuyển người được bảo vệ đến nơi an toàn.
Căn cứ vào tính chất, mức độ và khả năng xảy ra trên thực tế của hành vi xâm hại, cơ quan ra quyết định bảo vệ xem xét, áp dụng các biện pháp sau đây: bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích; di chuyển và giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ.
Đặc biệt, khi hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại là đặc biệt nguy hiểm, có liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật hình sự thì có thể thay đổi tung tích, lai lịch, đặc điểm nhân thân, nhân dạng của người được bảo vệ. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng khi có sự đồng ý của người được bảo vệ.
Ngoài được bảo vệ về tính mạng, người tố cáo và người thân thích còn được bảo vệ về bí mật thông tin, tài sản, uy tín, danh dự, vị trí công tác, việc làm… Người tố cáo cũng được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ mình mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không áp dụng hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tổn thất về tinh thần cho người được bảo vệ. |