Tổ công tác đặc biệt thị sát chợ TP.HCM

Theo khảo sát của PV, sáng 21-7, tại các siêu thị như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Satra Food, Emart, Mega Market... khu vực quận Gò Vấp và quận 12 không còn cảnh người dân xếp hàng dài để mua hàng hay chen chúc nhau trong các quầy thực phẩm, thanh toán.

Hàng nhiều hơn, giá hạ nhiệt

Lượng thực phẩm trên các kệ siêu thị, cửa hàng cũng dồi dào hơn. Nếu như cách đây một tuần, chỉ mới 9 giờ sáng, thực phẩm tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường số 3, phường 9, quận Gò Vấp chỉ là những kệ trống trơn thì nay còn rất nhiều. Tại quầy hải sản siêu thị Mega Market (quận 12), hàng cũng khá nhiều, nhờ vậy người mua có thể thoải mái lựa chọn mà không cần chen lấn.

Đáng chú ý, tại một số chợ truyền thống còn hoạt động như chợ An Hội (quận Gò Vấp), chợ Ngã Tư Ga (quận 12), giá thực phẩm đã giảm nhiệt về mức gần như bình thường hoặc ngang bằng với siêu thị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trao đổi cùng tiểu thương chợ thực phẩm An Đông (quận 5, TP.HCM). Ảnh: THANH MINH

Đơn cử, giá rau cải xanh các loại dao động quanh mức 30.000 đồng/kg, giảm 15.000-20.000 đồng/kg so với tuần trước; chanh 20.000-30.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg ở giai đoạn cao điểm... Riêng trứng vịt vẫn ở mức cao 45.000-50.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 40.000 đồng/chục.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, chính việc đa dạng hóa doanh nghiệp phân phối hàng hóa đầu cuối, tận dụng chuỗi cửa hàng sẵn có của nhiều doanh nghiệp logistics và thương mại... đã giúp tăng cường cung cấp thực phẩm cho người dân và tạo điều kiện thu mua kịp thời cho người nông dân. Qua đó đã giúp làm giảm nhiệt giá cả thực phẩm cũng như giảm áp lực cho chuỗi siêu thị, giảm tập trung đông người.

Đã có hơn 200 chợ đóng cửa

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương cho biết tính đến ngày 21-7, trên địa bàn TP chỉ còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động.

Như vậy, đến nay đã có 205 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó 202 chợ truyền thống và ba chợ đầu mối, do có ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. 

Tha thiết đề nghị mở lại chợ

Ngày 21-7, tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn đầu đã khảo sát về cung ứng hàng hóa tại chợ Bình Thới (quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ An Đông (quận 5)... Một tiểu thương tại chợ Bình Thới cho biết hiện giá trứng gà bán ra là 38.000 đồng/chục, tăng 4.000-5.000 đồng so với vài ngày trước.

Lý giải về việc khan hiếm trứng thời gian qua, Thứ trưởng Hải cho rằng một số vùng do giãn cách xã hội, cách ly y tế nên người dân không thể ra ngoài thu hoạch, vận chuyển. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trứng ở một số nơi.

Thứ trưởng Hải cũng cho rằng điều quan trọng nhất là đảm bảo có hàng để cung ứng cho nhu cầu của người dân. “Chúng tôi rất mong TP.HCM, các ban, ngành tạo điều kiện thêm cho các chợ truyền thống, kể cả chợ đầu mối hoạt động trở lại để giảm áp lực đối với siêu thị và một số chợ đang mở hiện nay. Nếu mở được chợ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa thiết yếu tốt hơn” - ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương phân tích: Hiện nay, 70% nhu cầu giao dịch, mua sắm là tại ba chợ đầu mối và các chợ truyền thống; 30% còn lại là các siêu thị, trung tâm bách hóa… Đặc biệt, các chợ đầu mối không chỉ cung cấp hàng hóa cho riêng TP.HCM mà còn cho các tỉnh, thành khác. Vì vậy, khi đóng cửa toàn bộ chợ đầu mối và hàng loạt chợ truyền thống, vô hình trung đưa áp lực mua sắm vào 30% kênh siêu thị, trung tâm bách hóa. Như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng cho các địa phương khác.

“Chúng tôi đã nhiều lần rất tha thiết báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền TP.HCM xem xét nghiên cứu việc mở thêm, mở lại các chợ truyền thống và chợ đầu mối. Vì hiện nay chỉ có chợ đầu mối mới có kho để trữ được hàng hóa từ các tỉnh đưa về, nếu đóng cửa chợ đầu mối mà lại đưa ra một kho trung chuyển trong tình huống hiện nay là rất khó khăn” - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý đang trong bối cảnh dịch nên việc mở cửa các chợ phải đảm bảo tuân thủ các quy định các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Y tế về phòng chống dịch.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Liên quan đến việc tháo gỡ tình trạng một số tỉnh, thành dư nguồn cung trong khi TP.HCM khan hiếm và giá tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Qua kiểm tra các chợ truyền thống, siêu thị... đang hoạt động cho thấy nhìn chung nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu đảm bảo đủ cung ứng. Tuy nhiên, có một số mặt hàng giá cao hơn so với bình thường, một số mặt hàng vẫn chưa đủ đảm bảo cung ứng cho người dân.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã làm việc với các cơ quan có liên quan của TP.HCM để đảm bảo tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý nhất. “Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất và sớm nhất cho vận chuyển hàng hóa để đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu” - ông Hải nhấn mạnh.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: Sau các buổi làm việc giữa tổ công tác đặc biệt của hai bộ Công Thương và NN&PTNT với các đơn vị liên quan cho thấy có bốn vấn đề nổi lên cần phải phối hợp để tập trung tháo gỡ. Thứ nhất, mạng lưới phân phối hàng hóa của TP.HCM đang bị xáo trộn, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa phòng dịch nên dẫn tới hàng nông sản địa phương về TP.HCM khó khăn.

Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin những địa phương muốn đưa hàng về TP.HCM hiện đang mắc ở đâu và muốn tập kết về những khu vực nào. Từ đó kiến nghị với UBND TP.HCM và các tỉnh giáp ranh bố trí kho tập kết dã chiến.

Thứ hai, các nhà phân phối ở TP.HCM đang thiếu kho trữ và phân phối hàng. Do vậy, bà Nga kiến nghị Bộ NN&PTNT nếu có kho thì giới thiệu cho ngành công thương để sử dụng cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Thứ ba, hiện phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hóa cũng bị thiếu hụt. Việc cấp giấy cho các xe tiêu thụ chưa đáp ứng được thực tiễn nên cần sự phối hợp để hỗ trợ các địa phương giải quyết vấn đề này.

Thứ tư, Sở Công Thương TP.HCM có đề xuất tổ công tác báo cáo các bộ, ngành có phương án bảo vệ vùng sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ cho TP… Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Y tế và các địa phương để tháo gỡ những vấn đề này.

Chuỗi nông sản tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID-19

Chiều 21-7, tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT tại TP.HCM đã có báo cáo nhanh. Tổ nhận định: Chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát COVID-19 kiểm soát chặt.

Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng tài xế, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.


Người dân đang mua hàng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp khi giãn cách xã hội, việc thiếu lao động đã xảy ra. Các địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ nhưng một số nơi vẫn còn thiếu cục bộ.

Từ thực tế trên, tổ công tác đề nghị bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đưa hàng hóa là giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Vì hiện nay một số tỉnh phản ánh việc vận chuyển cây con giống, vật tư đầu vào gặp khó khăn, gây bất ổn trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường ổn định, lâu dài.

Kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm gia hạn các giấy chứng nhận đủ điều kiện thêm ba tháng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có giấy chứng nhận đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.

Kiến nghị Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. A.HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới