Thứ trưởng lý giải về giá trứng tăng, khan hiếm

Ngày 21-7 Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đến khảo sát về cung ứng hàng hóa tại chợ Bình Thới (quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ An Đông (quận 5).

Theo Cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, khi đến chợ Bình Thới quận 11, Thứ trưởng đã thăm hỏi các tiểu thương kinh doanh ngành hàng trái cây, đồ khô, thịt heo…. Đặc biệt, ông Hải lưu ý tiểu thương bán mặt hàng trứng gia cầm vì đây là sản phẩm dễ chế biến, được người dân chuộng mua trong thời điểm này.

Một tiểu thương cho biết hiện giá trứng gà bán ra 38.000 đồng/chục, tăng 4.000-5.000 đồng so với vài ngày trước.

Lý giải về việc khan hiếm trứng thời gian qua, ông Hải cho rằng một số vùng do giãn cách xã hội, cách ly y tế, người dân không thể ra ngoài thu hoạch, vận chuyển nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ ở một số nơi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thăm gian hàng trứng gia cầm chợ Bình Thới quận 11. ẢNH: CỤC QLTT TP.HCM

“Với dịch bệnh nên một số nơi thiếu hàng hóa, giá cả tăng, mong mọi người chia sẻ khó khăn chung này. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nghiêm tất cả những hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý theo đúng quy định của pháp luật” - ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, bộ luôn phối hợp cùng các địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất và sớm nhất cho việc vận chuyển hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Cùng mục tiêu này, thông tin từ Cục QLTT Long An cho biết đơn vị đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, cung ứng hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn phụ trách.

Trong ngày 20-7, các đội QLTT đã kiểm tra, giám sát tại 40 cửa hàng tiện lợi, siêu thị Bánh Hóa Xanh, San Hà, Vinmart, Co.op trên địa bàn. Qua đó cho thấy hàng hóa tương đối đầy đủ, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, trứng gia cầm các loại.

Theo thông tin từ người đại diện tại các cửa hàng, sau thời điểm tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống, sức mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ một số mặt hàng như rau, củ, quả, thịt, trứng... Thời gian thiếu hàng cục bộ kéo dài đến ngày 17-7. Đến nay sức mua đã giảm, không còn xảy ra tình trạng khan hàng nữa.

Tuy nhiên, qua tham khảo giá niêm yết của nhiều loại hàng hóa cho thấy giá tăng khá cao 20%-40%. Một số mặt hàng như rau, củ, quả tăng đến 50% so với thời điểm đầu tháng 7.  

Theo đại diện của các cửa hàng, hàng hóa vẫn giữ mức giá cao là do việc áp dụng giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến chi phí vận chuyển và các chi phí đầu vào đều tăng cao.

Thời gian tới, Cục QLTT Long An tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá trục lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm