Sáng 27-8, Công an TP.HCM phối hợp với UBND huyện Hóc Môn ra mắt mô hình điểm “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn huyện.
|
Công an TP.HCM phối hợp với UBND huyện Hóc Môn ra mắt mô hình điểm “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn huyện. Ảnh: NT |
Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản, tính mạng con người, nhất là tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Thực tế địa bàn cho thấy, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là loại nhà ống, diện tích nhà ở không lớn, phân bố ở các khu vực dân cư, xung quanh các chợ, tuyến đường phố và chủ yếu kinh doanh các mặt hàng là các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hóa…
Theo bà Châu, các loại nhà trên thường chỉ có một lối thoát nạn ra ngoài; cửa ra vào chính tại tầng một thường là cửa xếp, cửa cuốn, tại các tầng trên có thể bố trí biển hiệu quảng cáo che chắn hết các hành lang mặt tiền. Phần lớn các chủ hộ gia đình không trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ hoặc trang bị phương tiện không đảm bảo yêu cầu. "Do đó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra việc xử lý đám cháy sẽ không hiệu quả ngay từ ban đầu” – bà Châu nêu.
|
Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, mỗi hộ sẽ tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ, nút ấn báo cháy, chuông báo cháy được kết nối liên thông. Ảnh: NT |
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Hóc Môn có nhiều ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà ở hộ gia đình hoặc nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, xe chữa cháy không tiếp cận được, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra tại các khu vực này.
Để đảm bảo an toàn PCCC UBND huyện Hóc Môn cũng đặt ra mục tiêu: Trong năm 2022 tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phải xây dựng đạt hai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu phố (ấp) trên địa bàn xã, thị trấn.
|
Các hộ gia đình qua đó được nâng cao về kiến thức cũng như kỹ năng PCCC và CNCH trong tình huống xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: NT |
Lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho rằng, mô hình nói trên sẽ giúp các hộ gia đình phối hợp, hỗ trợ trong công tác PCCC và đảm bảo ANTT.
“Mỗi hộ sẽ tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ, nút ấn báo cháy, chuông báo cháy được kết nối liên thông để khi có sự cố tại một nhà thì tất cả các nhà khác đều biết để hỗ trợ” – bà Châu nói.
Tại buổi lễ, đại diện công an TP.HCM đánh giá cao công tác phối hợp giữa chính quyền và công an tại địa phương để nhanh chóng đưa mô hình vào trong thực tế áp dụng. Bên cạnh đó đã khen, thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng mô hình điểm.
|
Các nút ấn báo cháy được thiết lập ở trước các căn nhà, được kích hoạt khi có cháy thì người xung quanh sẽ biết để kịp thời hỗ trợ dập lửa, cứu người và tài sản. Ảnh: NT |
Việc xây dựng thành công mô hình sẽ đảm bảo công tác an toàn PCCC và đảm bảo ANTT tại địa phương, giảm thiểu các số vụ và thiệt hại do cháy nổ gây ra trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, cho đến nay, trên địa bàn TP.HCM, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã được thành lập gần hết tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức; đã có 82 mô hình Tổ liên gia và 77 điểm chữa cháy công cộng được thành lập.