Tòa án dư luận quốc tế ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Paris (Pháp) kết thúc ngày 16-5 sau hai ngày làm việc và sẽ có cuộc họp báo quốc tế chính thức vào ngày 18-5.
Trong phiên tòa, các phát biểu đã lên tiếng ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và đòi hỏi các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm.
Năm 1966, bà Trần Tố Nga (hiện sống ở TP.HCM) từng có mặt ở chiến trường, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống. Năm 1968, bà Nga sinh con đầu lòng. Bao nhiêu hy vọng về mầm sống tương lai đã nhanh chóng biến mất khi con của bà qua đời vì dị tật tim bẩm sinh.
Sau bao đắn đo, bà tiếp tục sinh đứa con thứ hai và hiện em cũng đang nhiễm bệnh về máu và có nguy cơ cao bị ung thư.
Bà Nga tâm sự, đến dự phiên tòa dư luận quốc tế tại Pháp, bà mong muốn nói lên nỗi niềm của mình và cũng muốn thay lời cho đồng đội đã hy sinh.
Cũng với nỗi đau riêng và mong muốn thay lời các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đòi lại công lý, bà Masako Sakata, một phụ nữ Nhật có chồng là người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và nhiễm chất độc da cam/dioxin, đã đến làm nhân chứng tại phiên tòa.
Bà Sakata cho biết sau khi chồng qua đời, bà tìm hiểu nguyên nhân và biết cái chết đó do chất độc da cam/dioxin gây ra. Điều đó đã thôi thúc bà đến Việt Nam để tìm hiểu hậu quả của loại hóa chất khủng khiếp đó.
Bộ phim Chất độc da cam: Lời cầu hồn thầm kín của bà Sakata ra đời, gây tiếng vang lớn và từng đoạt giải tại Liên hoan phim môi trường quốc tế lần thứ 26. Bà mong muốn qua cuốn phim, thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Trong số những người đến tham dự phiên tòa cũng có những người dân bình thường như bà Annique Clémence đang sống tại Paris. Từng chứng kiến tận mắt hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin qua những lần thăm Việt Nam, bà cho biết đã tham gia nhiều hoạt động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ở Paris.
Bà Clémence khẳng định: “Suốt cuộc đời, tôi luôn đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam và giờ đây là đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tôi tranh thủ tham gia mọi sự kiện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin do các hội đoàn như Hội Người Việt Nam tại Pháp hay Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức”.
Tham dự phiên tòa tại Paris còn có các chuyên gia và luật gia quan tâm tới các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Ông Walid Okais, luật sư người Liban thuộc Hội Luật sư dân chủ quốc tế, cho biết ông bắt đầu theo dõi vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin sau một lần tham gia lễ hội Báo Humanité (Nhân đạo) của Pháp. Từ đó tới nay, ông liên tục theo dõi tiến triển trong cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Luật sư Walid Okais hy vọng không những đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, vụ kiện này còn là hoạt động khuyến khích những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hóa học và các loại vũ khí hủy diệt trên thế giới.
Tòa án dư luận quốc tế thu hút gần 200 người là Việt kiều, bạn bè Pháp và quốc tế tới dự. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cũng tới tham dự phiên tòa. Về phía nhân chứng, ngoài ba nạn nhân chất độc da cam và ba nhà khoa học trong các lĩnh vực y tế, hóa học và môi trường đại diện cho ba triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam còn có một số nạn nhân đồng thời là nhân chứng đến từ Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand. |
(Phóng viên VOV tường thuật từ Pháp)