Hoạt động tòa án lâu nay chỉ được giới hạn trong các công việc liên quan đến thụ lý, xét xử và các công việc như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, hay biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, TAND Tối cao đang mong muốn mở rộng hơn thẩm quyền, ngoài cả hoạt động xét xử, tiệm cận gần hơn khái niệm quyền tư pháp của quốc tế.
Dự án Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện mà Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra thảo luận trong phiên họp toàn thể ngày 29-3 mang theo tầm nhìn ấy. Theo đó, nếu xét thấy cần bảo vệ tài sản, bảo toàn tình trạng giao dịch dân sự, ngăn ngừa thiệt hại không thể khắc phục được trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại… thì cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu tòa áp dụng 10 loại biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa sẽ căn cứ trên các tài liệu, chứng cứ được cung cấp, quyết định có cho áp dụng hay không các biện pháp có tính chất phòng ngừa.
Bà Nguyễn Thu Trang, đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, lo ngại quy định trong dự luật thiếu rõ ràng, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để triệt hạ đối thủ. Ảnh: NN
10 biện pháp ấy nằm trong số 16 biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong BLTTDS mà hiện tại chỉ khi khởi kiện ra tòa thì đương sự mới có quyền yêu cầu tòa áp dụng, như một phần hoạt động của tòa giới hạn trong phạm vi tố tụng.
Nếu dự luật được Quốc hội chấp thuận thì những người vợ lo ngại ông chồng cờ bạc phá tán tài sản gia đình có thể đề nghị tòa phong tỏa tài sản chung của vợ chồng, cấm giao dịch, mua bán mà không phải đợi tới thủ tục nặng nề hơn là ly hôn. Chủ doanh nghiệp có thể đề nghị tòa lệnh tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu với lô hàng mà doanh nghiệp đó đang đôi co với đối tác về thủ tục thanh toán, không cần phải đợi tới quy trình tố tụng tốn kém thời gian để giải quyết tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, kết quả thảo luận cho thấy dự thảo mà TAND Tối cao chuẩn bị còn sơ sài, dẫn tới nhiều lo ngại về nguy cơ lạm dụng thủ tục đặc biệt để cản trở giao dịch dân sự. Chưa kể thẩm quyền mở rộng như vậy nhưng đến nay chưa hề có tổng kết nào về việc thực thi các quy định hiện hành liên quan đến biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mặt khác, chưa có sự chuẩn bị nào về nhân lực, vật lực cho tòa án để có thể đảm đương thẩm quyền mới…
Với những hạn chế được nêu, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin rút dự án luật khỏi chương trình dự kiến là trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đồng tình, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các góp ý để hoàn thiện hơn dự luật trước khi chuyển sang Quốc hội.