Tòa bất ngờ đình chỉ sau gần 2 năm thụ lý

Mới đây, TAND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã đình chỉ vụ án vợ chồng bà Đặng Thị Bích Ngọc kiện chủ tịch UBND và UBND TP Cao Lãnh đòi bồi thường thiệt hại do yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Tòa tách yêu cầu bồi thường khỏi vụ án hành chính

Năm 2015, ông Tiến (chồng bà Ngọc) trúng đấu giá hai quầy trong nhà lồng chợ TP Cao Lãnh và ký hợp đồng với ban quản lý (BQL) chợ bán dụng cụ thể thao. Sau đó, ông xin chuyển sang bán mỹ phẩm và được Phòng Tài chính - Kế hoạch đồng ý nên đã mua hơn 500 triệu đồng hàng về bán. Hơn một tháng sau, ông bị thu hồi văn bản cho phép bán mỹ phẩm.

Ban quản lý chợ TP Cao Lãnh, Đồng Tháp thu giữ hàng hóa
của vợ chồng bà Đặng Thị Bích Ngọc. Ảnh: YC

Tháng 7-2016, chủ tịch UBND TP Cao Lãnh phạt bà Ngọc 2,5 triệu đồng vì kinh doanh dưới dạng hộ kinh doanh mà không có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bà Ngọc khiếu nại nhưng bị bác. Do bà vẫn bán mỹ phẩm nên chủ tịch UBND TP lại phạt bà 3 triệu đồng.

Bà Ngọc kiện cả ba quyết định trên. Sau đó bà đóng cửa quầy, chờ xét xử thì BQL chợ tự mở khóa quầy hàng, thu giữ hết số mỹ phẩm.

Năm 2018 và 2019, TAND tỉnh Đồng Tháp và TAND Cấp cao tại TP.HCM đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Ngọc, tuyên hủy cả ba quyết định. Yêu cầu bồi thường được tòa tách ra thành vụ án khác.

Thụ lý gần hai năm nay, đưa ra xét xử ba lần rồi đình chỉ

Theo hướng dẫn của hai bản án trên, vợ chồng bà Ngọc đã đi kiện chủ tịch UBND và UBND TP Cao Lãnh đòi bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, về yêu cầu bồi thường, án sơ thẩm cho rằng không liên quan đến các quyết định hành chính mà là quan hệ dân sự kinh doanh thương mại nên tách ra thành vụ án khác. Còn án phúc thẩm thì nêu rõ “việc cán bộ BQL chợ kiểm đếm, thống kê, niêm phong hàng hóa bà Ngọc đang bán, nếu gây thiệt hại cho bà Ngọc thì bà có quyền kiện những người này để yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng vụ án khác”.

Từ đây, bà mới kiện chủ tịch và UBND TP Cao Lãnh đòi bồi thường như hướng dẫn của hai cấp tòa. Tuy nhiên, TAND TP Cao Lãnh sau khi thụ lý vụ kiện này gần hai năm và ba lần đưa ra xét xử thì lại đình chỉ với lý do yêu cầu khởi kiện đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 25-3-2021, HĐXX tạm ngừng phiên tòa, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay không khi làm mất thùng hàng của bà…

Ngay khi nhận được quyết định, bà Ngọc đã kháng cáo đề nghị hủy quyết định đình chỉ và yêu cầu tòa phải tiếp tục giải quyết. Theo bà Ngọc, việc tòa đình chỉ là tước đi quyền khởi kiện của bà, là hành vi trái pháp luật.

Đồng thời, bà Ngọc cũng làm đơn tố cáo thẩm phán đang giải quyết vụ án vì cho rằng thẩm phán không khách quan, thiếu minh bạch và ra quyết định đình chỉ trái pháp luật…

Tòa thụ lý do có “hiểu nhầm”

Trao đổi với PV, thẩm phán giải quyết vụ án cho rằng bà Ngọc phải kiện BQL chợ về vụ án tranh chấp hợp đồng hoặc tranh chấp dân sự bồi thường thiệt hại từ hợp đồng. Thẩm phán phân tích: Bà Ngọc yêu cầu chủ tịch UBND và UBND TP Cao Lãnh bồi thường do quyết định hành chính gây ra thì bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao đã giải quyết (bác yêu cầu do các quyết định trên không phải nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho bà Ngọc).

PV đặt vấn đề: “Nếu vậy, tại sao tòa vẫn thụ lý, sau gần hai năm với ba lần đưa ra xử mới đình chỉ?”. Thẩm phán thừa nhận tòa cũng có “hiểu nhầm”. Sau thời gian nghiên cứu thì nhận ra nên tòa đình chỉ để bà Ngọc kiện lại bằng vụ án khác. 

Tòa đình chỉ: Sai hay đúng?

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Khoa dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: Theo thông báo không khởi tố vụ án của Công an TP Cao Lãnh và quyết định giải quyết khiếu nại của VKS thì thấy rằng do có chỉ đạo của chủ tịch UBND và UBND TP Cao Lãnh nên BQL chợ mới đến thu giữ hàng hóa. Do đó, việc bà Ngọc kiện chủ tịch UBND và UBND TP Cao Lãnh là có căn cứ. Tuy nhiên, dù BQL chợ có làm theo chỉ đạo thì họ vẫn là người trực tiếp thu giữ hàng hóa dẫn đến thiệt hại nên BQL chợ phải chịu trách nhiệm. Phòng Tài chính - Kế hoạch (có văn bản đồng ý cho bà Ngọc chuyển đổi quầy sang kinh doanh mỹ phẩm) cùng BQL chợ đến thu giữ hàng hóa nên cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Theo TS Tiến, nguyên tắc chung là người nào gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vì vậy, bà Ngọc có thể kiện đòi chủ tịch UBND, UBND TP Cao Lãnh, BQL chợ và Phòng Tài chính - Kế hoạch liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi thu giữ hàng hóa trái pháp luật gây ra.

TS Tiến cho rằng tòa đình chỉ với lý do yêu cầu của bà Ngọc được giải quyết là chưa thuyết phục. Trường hợp này tòa cần làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa việc ra quyết định, chỉ đạo của UBND TP với hành vi thu giữ hàng hóa của BQL chợ. Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến sự việc một phần từ chỉ đạo của UBND TP chứ BQL chợ không tự ý thực hiện.

Do đó, việc bà Ngọc khởi kiện yêu cầu các bị đơn liên đới bồi thường phải được xem là yêu cầu chưa từng được giải quyết như nhận định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ án hành chính trước đó.

 

Đã kiện bổ sung ban quản lý chợ, tại sao vẫn đình chỉ?

Trước khi khởi kiện, tôi từng tố cáo hành vi thu giữ hàng hóa ra công an để điều tra về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, công an và VKSND TP Cao Lãnh nhận định BQL chợ thực hiện nhiệm vụ do UBND TP Cao Lãnh giao, không có dấu hiệu của tội phạm.

Do đó, vợ chồng tôi kiện chủ tịch UBND và UBND TP Cao Lãnh. Yêu cầu khởi kiện bổ sung lần thứ ba của tôi là chủ tịch UBND, UBND TP Cao Lãnh, BQL chợ, Phòng Tài chính - Kế hoạch (thuộc UBND TP Cao Lãnh, tham gia với tư cách người liên quan) phải liên đới bồi thường số hàng hóa bị thu giữ trái phép (gần 500 triệu đồng), chứ không phải yêu cầu bồi thường do quyết định hành chính gây ra.

Bà ĐẶNG THỊ BÍCH NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm