Tòa buộc ban quản trị chung cư 24AB mở lại nước sinh hoạt cho cư dân

(PLO)- Dù từ ngày 5-2 tòa đã có quyết định buộc mở lại nước sinh hoạt cho cư dân nhưng ban quản trị chung cư 24AB vẫn chưa thi hành quyết định này.

Từ ngày 5-2, TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Lưu Thị Thu Trang (cư dân chung cư) và bị đơn là ban quản trị (BQT) Chung cư 24AB, đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh và đơn vị quản lý vận hành chung cư là Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật giải pháp An Gia.

Theo đó, toà buộc bị đơn là BQT và đơn vị quản lý vận hành mở nước sinh hoạt cho căn hộ của nguyên đơn.

Sau khi có quyết định của toà, ngày 6-2, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thạnh đã ra quyết định thi hành. Đến ngày 15-3, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thạnh phối hợp với chính quyền địa phương thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.

Chung cư 24AB. Ảnh: ĐL

Tuy nhiên, đến nay BQT và đơn vị vận hành vẫn chưa mở lại nước sinh hoạt cho cư dân vì BQT cho rằng họ chỉ là đại diện cho cư dân nên không thể tự ý mở nước cho căn hộ đang thiếu nợ kinh phí bảo trì, muốn mở nước thì phải xin ý kiến cư dân thông qua hội nghị nhà chung cư. Còn phía đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thì cho rằng, họ được thuê để vận hành và quản lý nên không thể làm trái với nội quy nhà chung cư…

Nội dung vụ án thể hiện, khoảng tháng 1-2023 hộ bà Trang bị BQT chung cư phối hợp với Công ty vận hành quản lý nhà chung cư cắt nước sinh hoạt hàng ngày bằng cách đóng van nước, khóa tủ kỹ thuật và dán niêm phong tủ kỹ thuật.

Sau đó, bà Trang nhiều lần gửi ý kiến đến BQT, ban quản lý chung cư, chính quyền địa phương yêu cầu mở lại nước sinh hoạt cho gia đình tôi nhưng không có kết quả.

Không còn cách nào khác bà Trang khởi kiện ra toà yêu cầu buộc BQT và đơn vị quản lý vận hành chung cư phải mở lại nước và bồi thường thiệt hại trong thời gian bị cắt nước (300.000đ/ngày). Đến ngày 1-6-2023 TAND quận Bình Thạnh thụ lý vụ án nêu trên.

Phía bị đơn thì cho rằng do cư dân không đóng kinh phí bảo trì chung cư (150.000 đồng/căn hộ/tháng) nên ngưng cung cấp dịch vụ.

Còn phía nguyên đơn cho biết một số căn hộ trong chung cư tạm thời ngưng đóng phí bảo trì là bởi nhiều lần yêu cầu BQT giải trình về việc sử dụng quỹ bảo trì của chung cư vào các mục chi sai quy định, chứng từ thu chi không rõ ràng. Hai bên không tìm được tiếng nói chung nên phát sinh tranh chấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới