Vụ chung cư Bonanza, Hà Nội: Vẫn chưa rõ khoản tiền 700 triệu phí quản lý

(PLO)- Không còn cảnh nhiều cư dân căng băng rôn như cuối năm ngoái, vấn đề hiện nay tại chung cư Bonanza, Hà Nội là việc chưa làm rõ khoản tiền 700 triệu đồng phí quản lý mà người dân đã đóng góp. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chung cư Dreamland Bonanza, số 23 Duy Tân, Hà Nội, đến nay đã không còn cảnh cư dân tập trung đông người, căng băng rôn đòi quyền lợi như PLO phản ánh hồi cuối năm 2023.

Là Trưởng ban Quản trị (BQT) mới của tòa nhà, do các hộ dân bầu ra hồi cuối tháng 12-2023, ông Bùi Trọng Lợi cho biết việc vận hành, quản lý chung cư đã bắt đầu đi vào ổn định.

Nhùng nhằng món tiền 700 triệu phí quản lý chung cư Bonanza.jpg
Chung cư Bonanza, số 23 Duy Tân, Hà Nội. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Dù vậy, ông Lợi cũng cho biết, vẫn còn điểm chưa rõ về việc sử dụng khoản tiền phí dịch vụ mà cư dân trước đây đã đóng cho Công ty CP USEM Việt Nam – đơn vị quản lý, vận hành chung cư do BQT cũ thuê.

Chung cư Bonanza được đưa vào sử dụng từ năm 2021, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư bất động sản Vinaland đã chỉ định Công ty Suco làm dịch vụ quản lý vận hành. Đến tháng 5-2022, cư dân bầu ra BQT cho mình thực hiện tự quản theo pháp luật. Việc quản lý, vận hành tòa nhà tiếp tục do Suco cung ứng, và từ cuối năm 2022 chuyển sang Công ty MSC Việt Nam – cũng do chủ đầu tư chỉ định.

Tháng 1-2023, BQT tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường, rồi thực hiện quyền của mình mời thầu, ký hợp đồng với một đơn vị khác là Công ty CP USEM Việt Nam để quản lý, vận hành tòa nhà.

Việc BQT ký hợp đồng với USEM Việt Nam trong khi MSC Việt Nam đang quản lý, vận hành dẫn đến những mâu thuẫn giữa hai đơn vị. Cùng với đó, cư dân phát hiện việc bầu BQT đã không tuân thủ quy định nên dẫn tới lùm xùm.

Đến tháng 7-2023, BQT có đơn gửi UBND quận Nam Từ Liêm xin miễn nhiệm. Cũng trong tháng 7, USEM Việt Nam chấm dứt hợp đồng quản lý, vận hành chung cư Bonanza.

Dù BQT cũ xin miễn nhiệm, nhưng phải đến tháng 12-2023, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND phường Mỹ Đình 2, hội nghị nhà chung cư mới được tiến hành, để bầu ra BQT mới. BQT này đang tiến tới ký trở lại hợp đồng quản lý, vận hành tòa nhà với MSC Việt Nam.

Vướng mắc còn lại lúc này là món tiền hơn 700 triệu đồng, mà theo biên bản xác nhận công nợ giữa USEM Việt Nam với BQT cũ, là phí dịch vụ mà cư dân đã đóng cho USEM Việt Nam.

Nhùng nhằng món tiền 700 triệu phí quản lý chung cư Bonanza 2.JPG
Dịch vụ quản lý, vận hành tại chung cư Bonanza hiện đang do MSC Việt Nam cung cấp. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Theo chủ đầu tư Vinaland và MSC Việt Nam, dù thu phí dịch vụ của cư dân nhưng USEM Việt Nam đã không hề thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng với BQT cũ. Lý do là toàn bộ hệ thống kỹ thuật và nhân sự vận hành từ khi chung cư Bonanza đi vào hoạt động, như điện, nước, rác thải, an ninh, vệ sinh đều của chủ đầu tư và MSC Việt Nam.

“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ việc quản lý, sử dụng số tiền 700 triệu này”, đại diện MSC Việt Nam nói.

Trả lời PLO, ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch HĐQT USEM Việt Nam khẳng định mọi việc ở chung cư Bonanza, đơn vị này đều thực hiện theo hợp đồng đã ký với BQT cũ. Khi ở đây xảy ra lùm xùm, USEM Việt Nam đã thanh lý hợp đồng.

Vậy USEM Việt Nam đã sử dụng hơn 700 triệu đồng phí dịch vụ thu của cư dân thế nào? Việc này, ông Thành đề nghị phóng viên trao đổi với BQT cũ của chung cư.

Chuyển câu hỏi này tới ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng BQT cũ thì ông Hùng cho biết khi USEM Việt Nam vào thì MSC Việt Nam vẫn tiếp tục làm dịch vụ quản lý, vận hành tòa nhà. Cùng lúc một việc mà hai đơn vị dịch vụ giằng co nhau dẫn đến những kiện cáo... Do những lùm xùm kéo dài nên BQT xin miễn nhiệm, đồng thời kết thúc hợp đồng với USEM Việt Nam. “Về chuyện tiền nong, thực sự tôi cũng mệt mỏi, nên mong công an vào cuộc làm sáng rõ việc này”, ông Hùng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 cho hay, chính quyền đã nhận được đơn kiến nghị của MSC Việt Nam và đã hướng dẫn các bên chủ động giải quyết vấn đề và đảm bảo lợi ích cho cư dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm