Hà Nội ra kế hoạch tháo gỡ tranh chấp liên quan đến chung cư

(PLO)-  Hà Nội có khoảng 1.100 nhà chung cư thương mại đã đi vào sử dụng, trong đó nhiều nhà có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều loại tranh chấp chung cư

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai ngày 17-11, các đại biểu HĐND Hà Nội đã nhận được kiến nghị sớm xử lý dứt điểm tình trạng các chủ đầu tư chung cư trên địa bàn chậm bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị.

Vụ việc cụ thể được đề cập tới là chủ đầu tư chung cư AZ Sky (phường Định Công) đến nay vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì, dù các cấp thành phố đã có chỉ đạo, thậm chí giao cho UBND quận Hoàng Mai tổ chức cưỡng chế.

Liên quan đến tranh chấp tại AZ Sky, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết đây là trường hợp đầu tiên quận tiến hành cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì. Tuy nhiên, việc cưỡng chế chưa đạt mục đích đề ra, do tài khoản ngân hàng của chủ đầu tư không đủ giá trị quỹ bảo trì theo quy định để bàn giao.

Để tháo gỡ, quận đang đề nghị cơ quan chức năng kê biên tài sản của chủ đầu tư, tổ chức đấu giá, với hi vọng giá trị thu về đủ để bàn giao cho ban quản trị làm quỹ bảo trì.

Chung cư AZ Sky tại phường Đình Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: TP)

Chung cư AZ Sky tại phường Đình Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: TP)

Không riêng gì quận Hoàng Mai, tình trạng tranh chấp chung cư cũng diễn ra tại các quận, huyện khác của Hà Nội. Đơn cử như quận Hai Bà Trưng, nơi có 32 toà chung cư thì 21 nhà tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, 7 nhà đang có tranh chấp gay gắt.

Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc bàn giao quỹ bảo trì, sở hữu chung riêng, chỗ đỗ xe, thông tin của dự án không rõ ràng, chủ đầu tư có vi phạm về trật tự xây dựng khiến người mua căn hộ không được cấp giấy tờ sở hữu...

Chủ đầu tư vi phạm không được làm dự án mới

Trước tình trạng tranh chấp chung cư phức tạp, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, mới đây, UBND Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục các bất cập trong vận hành, quản lý chung cư trên địa bàn.

Theo đó, chính quyền thành phố yêu cầu các cấp và chủ đầu tư kịp thời đề ra và triển khai các giải pháp quản lý cần thiết, đúng quy định của pháp luật, chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn.

Tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng. Cải thiện điều kiện ở cho người dân và xây dựng nếp sống văn minh trong các khu chung cư.

Đặc biệt, UBND Hà Nội nhấn mạnh cấm cửa các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở mới, nên bản thân họ từng phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành chung cư, hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để.

Thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Trong đó, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng toà nhà. Chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.

Để khắc phục dứt điểm những vấn đề gây nhức nhối đời sống đô thị hiện đại này, UBND Hà Nội giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất để cấp trên giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, vận hành chung cư; giao Sở Công an xây dựng, triển khai đề án phòng ngừa giải quyết nguy cơ hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự tại các khu chung cư, đô thị mới trên địa bàn.

Yêu cầu các cấp và địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, cũng như giải quyết các tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư. Đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân.

Theo báo cáo của UBND Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.135 nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, trong đó 132 nhà xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005, khi chưa có ràng buộc cơ chế bảo đảm kinh phí bảo trì.

Đến nay, có 804 ban quản trị nhà chung cư được thành lập. Trong số này, 723 ban quản trị đã tiếp nhận hồ sơ nhà; 567 ban quản trị được bàn giao kinh phí bảo trì; 709 ban quản trị được bàn giao quản lý phần diện tích sở hữu chung; 700 ban quản trị đã nhận bàn giao phòng sinh hoạt cộng đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm