Tòa buộc chủ quán karaoke bồi thường cho gia đình 3 cảnh sát hy sinh khi chữa cháy

(PLO)- Trong thời gian dịch COVID-19, hoạt động karaoke bị cấm để đảm bảo an toàn nhưng bị cáo vẫn kinh doanh, thậm chí kinh doanh khi chưa có giấy phép, không được thẩm duyệt về PCCC.

Ngày 7-8, TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Hùng, chủ quán karaoke ISIS ở phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), 10 năm tù về tội vi phạm quy định về PCCC.

Vụ cháy xảy ra hơn một năm trước. Ba chiến sĩ cảnh sát PCCC đã dũng cảm hy sinh khi triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

VKS bật khóc khi công bố bản cáo trạng

Tại phiên tòa, khi công bố cáo trạng, đến phần các chiến sĩ quên mình khi làm nhiệm vụ, vị đại diện VKS nghẹn ngào bật khóc. Chủ tọa phiên tòa đề nghị kiểm sát viên tạm dừng vài phút để có thể nén xúc động.

Bị cáo Phạm Duy Hùng tại phiên tòa. Ảnh: DT

Theo cáo trạng, ngày 19-3-2018, Hùng mua lại cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke ISIS gồm sáu tầng và một tum. Bị cáo sử dụng chín phòng từ tầng 2 đến tầng 6 của ngôi nhà để làm phòng hát karaoke. Đến tháng 2-2022, Hùng thuê người cải tạo, cơi nới thêm hai phòng tại tầng 7 để phục vụ kinh doanh hát karaoke mà không thông báo với chính quyền địa phương.

Từ ngày 1-5-2022, Hùng bắt đầu sử dụng phòng 702 làm phòng hát, còn phòng 701 Hùng tạm thời sử dụng làm nhà kho.

Trong khi đang làm thủ tục gửi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và xin thẩm duyệt PCCC, bị cáo vẫn tiếp tục cho quán hoạt động kinh doanh. Thời gian khách hát thường bắt đầu từ 11 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau.

Khoảng 13 giờ ngày 1-8-2022, điện chập tại phòng hát 702 làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến cháy toàn bộ quán karaoke ISIS.

Quá trình chữa cháy, các chiến sĩ Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc là cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị mắc kẹt tại tầng 4 do vật liệu rơi xuống, bịt lối thoát.

Sau khi mất liên lạc với ba người, tổ công tác triển khai đội hình lên cứu người. Đến 16 giờ, tổ công tác đưa được thi thể ba chiến sĩ ra khỏi hiện trường. Giám định kết luận ba chiến sĩ tử vong do ngạt khí CO2.

Kinh doanh khi chưa được cấp phép, hậu quả khôn lường

Tại phiên tòa, bị cáo Hùng thừa nhận biết quán karaoke thuộc trường hợp phải thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC mới đủ một trong các điều kiện để hoạt động. Dù lúc đó quán chưa được cấp phép nhưng bị cáo vẫn tự ý cải tạo cơ sở rồi đưa quán vào hoạt động.

Khi công bố cáo trạng, đến phần các chiến sĩ quên mình làm nhiệm vụ, kiểm sát viên đã bật khóc. Vị chủ tọa đề nghị tạm dừng vài phút để kiểm sát viên có thể nén xúc động.

“Khi nhận được tin quán bị cháy, bị cáo đang đi lễ, đến tối mới về. Ba chiến sĩ đã hy sinh là do hành vi của bị cáo. Bị cáo đã sai, không có gì để bào chữa. Bị cáo rất ăn năn, hối hận. Rất xin lỗi các gia đình nạn nhân và xin HĐXX khoan hồng cho bị cáo sớm trở về làm lại cuộc đời và trả nợ” - bị cáo Hùng nói.

Đại diện VKS luận tội: “Trong thời gian dịch COVID-19, Nhà nước và UBND TP Hà Nội cấm hoạt động karaoke để đảm bảo an toàn cho người dân nhưng bị cáo vẫn kinh doanh, thậm chí kinh doanh khi chưa có giấy phép, không được thẩm duyệt về PCCC. Do đó, cần xử lý bị cáo nghiêm khắc, làm bài học cảnh tỉnh; đề nghị HĐXX phạt bị cáo mức án 10-12 năm tù”.

Sau cùng, HĐXX phạt Hùng 10 năm tù. Theo HĐXX, bị cáo buộc phải biết “phải được duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC mới đủ một trong các điều kiện để hoạt động”. Hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, xâm phạm quy định của Nhà nước về PCCC, đe dọa tính mạng, sức khỏe của công dân, gây hậu quả khôn lường. Bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện, do đó phải có mức án nghiêm minh để giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.

Bồi thường và cấp dưỡng cho gia đình ba nạn nhân

Ngoài mức án tù, bị cáo Phạm Duy Hùng còn phải bồi thường 230 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân. Đối trừ phần khắc phục hậu quả trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình bị hại Quân, bị hại Phúc 100 triệu đồng, bồi thường cho gia đình bị hại Việt 130 triệu đồng.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng, bị cáo phải cấp dưỡng cho mẹ ông Quân đến khi mất, cấp dưỡng cho con ông Quân đến khi đủ 18 tuổi, mức cấp dưỡng là 2 triệu đồng/tháng cho mỗi người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới