Trong hai ngày 11 và 12-11, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông BT và bị đơn là bà BX, chị ruột ông T.
Sở dĩ có phiên tòa phúc thẩm là do ông T. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa phúc thẩm buộc bà X. phải bồi thường cho ông 28 cây dừa mà bà đã chặt, tổng trị giá 140 triệu đồng.
Chị chặt 28 cây dừa, em đòi 140 triệu
Theo bản án sơ thẩm, ông T. cho rằng cha mẹ ông có phần đất rộng gần 6.000 m2 tại một phường ở quận Ninh Kiều. Năm 1989, cha ông mất không để lại di chúc. Năm 2016, bà X. đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người anh cả đứng tên và đại diện cho các đồng chủ sở hữu khác gồm mẹ và sáu anh chị em của ông.
Từ khi cha chết, ông tiếp tục canh tác trên đất vườn và trồng tổng cộng 200 cây dừa. Ngày 17-11-2016, ông vắng nhà nên bà X. kêu người đến đốn hạ tổng cộng 20 cây dừa. Hơn một tháng sau, ông về quê vợ, bà X. tiếp tục kêu người đốn thêm 20 cây dừa nữa, tổng cộng là 40 cây dừa.
Do thấy quyền lợi bị ảnh hưởng nên ông khởi kiện yêu cầu tòa án buộc bà X. bồi thường thiệt hại cho ông mỗi cây dừa 5 triệu đồng. Tổng số tiền tương ứng số cây đã bị chặt là 200 triệu đồng.
Ra tòa, đại diện ủy quyền của ông T. thay đổi yêu cầu bồi thường. Cụ thể, nguyên đơn yêu cầu bồi thường 28 cây dừa. Trong đó, 20 cây loại A có giá thẩm định là 300.000 đồng/cây, tương ứng 6 triệu đồng. Tám cây loại B có giá thẩm định 210.000 đồng/cây, tương ứng 1,68 triệu đồng. Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 7,68 triệu đồng.
Bà X. xác nhận nguồn gốc mảnh đất như ông T. nói. Bà cho rằng chỉ kêu người vào hạ 20 cây chứ không phải 40 cây. Bà X. cho rằng số cây dừa bị đốn là do cha bà trồng.
Bà đốn dừa vì thứ nhất là những cây nằm giáp ranh hàng xóm, trái và nhánh dừa rụng sang phía đó nên phải đốn thì họ mới ký giáp ranh khi làm giấy tờ đất. Thứ hai là có khoảng 10 cây gần mồ mả ông bà tổ tiên, sợ rễ và gốc dừa ăn vào nên bà cho đốn.
Thứ ba, có khoảng bảy cây ở gần nhà thờ họ, do các cây này đã lâu năm, sợ ngã vào nhà chính thờ cúng tổ tiên nên mới đốn. Việc bà đốn các cây dừa này là vì quyền lợi chung của cả gia đình, có mẹ bà đồng ý, không vì lợi ích riêng của bà nên bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T.
Xử sơ thẩm hồi tháng 6, TAND quận Ninh Kiều nhận định hành vi đốn hạ các cây dừa của bị đơn là xuất phát từ quyền lợi chung của gia đình. Các cây dừa là tài sản thuộc sở hữu chung của các đương sự, không phải tài sản riêng của nguyên đơn. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa có cơ sở chấp nhận.
Sau đó ông T. kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xử buộc bà X. phải bồi thường cho ông 28 cây dừa, tương đương 140 triệu đồng.
Tòa nỗ lực hòa giải để chị em hàn gắn
Tại tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền của ông T. thay đổi yêu cầu bồi thường còn 7,68 triệu đồng như trên. Các bên trình bày qua lại rất nhiều nhưng nội dung không có gì mới so với nội dung mà tòa sơ thẩm đã xét xử.
Các anh chị em của nguyên đơn, bị đơn và người mẹ được xác định là người liên quan trong vụ án nên cũng có mặt tại tòa. Các chị em gái theo ý kiến của bị đơn. Người mẹ già hơn 80 tuổi lúc thì nói bị đơn chặt cây do mình bảo, lúc lại bảo nguyên đơn có thiệt hại vì đó là cây do nguyên đơn trồng…
Trong lúc hai bên tranh luận tại tòa, có cả tiếng khóc và lời nói to tiếng. Sau đó tòa phải tạm dừng phiên xử để các bên bình tĩnh lại rồi mới xử tiếp.
Cả HĐXX và kiểm sát viên đã dành nhiều tâm sức để giải thích pháp luật, phân tích điều hơn lẽ thiệt cho cả hai bên. Lúc đầu tòa động viên mỗi bên nhún nhường nhau một chút để giữ hòa khí gia đình. Vì các đương sự là chị em trong nhà chứ không phải người ngoài. Nên chăng số cây dừa thiệt hại thì mỗi bên chịu một nửa.
Vị thẩm phán phân tích cho nguyên đơn: “Ông không có gì chứng minh số cây dừa bị chặt là do ông trồng. Trong khi đó, bị đơn nói cây do người cha trồng. Người mẹ và người anh thì nói cây do nguyên đơn và người cha trồng nhưng không xác định được cụ thể cây nào do ai trồng”.
Nghe vậy, đại diện nguyên đơn đồng ý và cho hay trước đó nguyên đơn cũng đề nghị như vậy nhưng người chị không chịu. Bị đơn thì nói: “Dù có chi 100 ngàn tôi cũng không đồng ý”. Rồi bị đơn vừa khóc, vừa kể về người em của mình lời nói trong nước mắt thì rất khó nghe…
Rồi vị đại diện VKS cũng phân tích thêm: “Số tiền hơn 7 triệu không lớn lao gì. Mục đích các anh chị đòi ở đây là danh dự, hầu cho lối xóm biết tui đúng, còn người kia sai. Nhưng đó là với người ngoài, chứ đây anh chị là chị em trong gia đình cơ mà”.
Một thẩm phán trong HĐXX lại nói: “Tài sản cha anh chị để lại bây giờ là tài sản chung. Vì là đồng sở hữu nên ai cũng có quyền lên tiếng hết, vì vậy nguyên đơn đừng nói họ quậy. Nguyên đơn cũng dằn bớt tiếng nói để giữ hòa khí gia đình”.
Cũng vị thẩm phán này phân tích cho nguyên đơn: “Nếu còn bản án rồi con cháu soi vào, nó biểu ông bà, cô bác vì mấy chục cây dừa mà lôi nhau ra tòa thì mình nói làm sao. Cho nên nếu nguyên đơn rút đơn thì tòa sẽ hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án luôn. Từ nay tới ngày anh chị em phân chia tài sản chung thì đừng đốn cây nữa, tránh mâu thuẫn gia đình. Chia xong rồi thì ai muốn làm gì trên đất của mình thì làm…”.
Sau đó nguyên đơn đồng ý rút yêu cầu kháng cáo, rút đơn khởi kiện. Vì vậy tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Phía bị đơn và các chị em gái vui vẻ ra về. Sau khi các chị em về trước thì nguyên đơn cũng về. Hy vọng gia đình họ sẽ lại vui vẻ như chưa có gì sau những ngày kéo nhau ra tòa.