Tòa hủy quyết định của thi hành án được không?

Trước đây vợ chồng bà TTB thế chấp ba giấy đỏ để vay của bà Phạm Thị Ba (ngụ quận 8, TP.HCM) 755 triệu đồng. Sau đó vợ chồng bà B. không trả nợ đúng hẹn nên bà Ba khởi kiện ra TAND quận 8 đòi tiền.

Không trả nợ, bị kê biên nhà đất

Năm 2012, TAND quận 8 xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng bà B. phải trả cho bà Ba hơn 944 triệu đồng gồm cả gốc lẫn lãi. Ngoài ra, tòa tuyên việc thế chấp ba giấy đỏ giữa hai bên là vô hiệu, bà Ba phải giao lại ba giấy đỏ cho cơ quan thi hành án (THA).

Bản án này sau đó không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật. Bà Ba gửi đơn yêu cầu THA tại Chi cục THA dân sự quận 8. Cơ quan này đã ủy thác THA cho Chi cục THA dân sự huyện Cần Đước (Long An, nơi có nhà đất của vợ chồng bà B.).

Tháng 7-2013, Chi cục THA dân sự huyện Cần Đước đã ra quyết định THA. Do vợ chồng bà B. vẫn không chịu trả nợ cho bà Ba nên một tháng sau, cơ quan này đã ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của vợ chồng bà B. gồm hai thửa đất liền kề nhau và một căn nhà cấp bốn gắn liền trên đất.

Ông Nguyễn Văn Nhân (con trai, người đại diện theo ủy quyền của bà Ba) cho rằng phán quyết của tòa sơ thẩm không đúng, làm vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình ông. Ảnh: N.NGA

Cha kiện con đòi nhà

Tháng 12-2013, cha ruột của bà B. đã khởi kiện vợ chồng bà B. ra TAND huyện Cần Đước tranh chấp căn nhà trên đất của vợ chồng bà B. bị cơ quan THA kê biên. Làm việc với tòa, ông này trình bày rằng đó là căn nhà mà ông cùng các con bỏ tiền ra xây. Đó là tài sản riêng của ông nên ông yêu cầu tòa công nhận căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông và hủy phần quyết định kê biên trước đó của cơ quan THA liên quan đến căn nhà.

Bà B. đồng ý với việc cơ quan THA kê biên quyền sử dụng đất do bà đứng tên để THA nhưng yêu cầu tòa công nhận quyền sở hữu căn nhà trên đất cho cha bà. Trong khi đó, phía bà Ba (người có quyền lợi liên quan) cho rằng việc cha bà B. khởi kiện tranh chấp căn nhà thực chất chỉ nhằm giúp bà B. trốn tránh nghĩa vụ THA nên yêu cầu tòa bác đơn khởi kiện của ông này.

Tháng 7-2014, TAND huyện Cần Đước xử sơ thẩm đã nhận định nguồn gốc hai thửa đất mà bà B. đứng tên trên giấy đỏ là của cha bà B. Tuy đã giao đất cho bà B. đứng tên nhưng ông này vẫn sử dụng căn nhà trên đất để ở. Năm 2013, căn nhà cũ bị sập nên cha bà B. đã xây dựng một căn nhà cấp bốn mới. Ông là người trực tiếp ký các hợp đồng xây dựng, ký tên trên các hóa đơn mua vật tư và thanh toán tiền. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cha bà B., công nhận cho ông được quyền sở hữu căn nhà, đồng thời tuyên hủy phần quyết định cưỡng chế kê biên của Chi cục THA dân sự huyện Cần Đước liên quan đến căn nhà.

Tòa phúc thẩm khó xử

Sau phiên xử, phía bà Ba kháng cáo. Chi cục THA dân sự huyện Cần Đước cũng kháng cáo cho rằng quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của chi cục đối với vợ chồng bà B. là quyết định cá biệt nhưng không thuộc đối tượng khởi kiện để người dân yêu cầu tòa giải quyết theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Từ đó chi cục đề nghị TAND tỉnh Long An phúc thẩm hủy phần bản án sơ thẩm về nội dung tuyên hủy quyết định kê biên của chi cục.

VKSND huyện Cần Đước cũng kháng nghị, cho rằng quyết định của tòa chỉ nêu cha bà B. được quyền sở hữu căn nhà diện tích hơn 117 m2, không nêu rõ căn nhà có chiều dài, chiều rộng bao nhiêu là rất chung chung, sẽ dẫn đến rất khó THA.

Sau đó, nhiều lần TAND tỉnh Long An đã mở phiên tòa nhưng rồi lại hoãn. Tháng 1-2015, tòa này tiếp tục mở phiên xử nhưng cho đến nay vẫn chưa thể tuyên án vì cần thêm thời gian để đánh giá chứng cứ.

Tòa không có quyền hủy quyết định THA

Từ vụ việc trên, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Theo quy định hiện hành, tòa có quyền thụ lý, giải quyết yêu cầu hủy quyết định kê biên tài sản của cơ quan THA dân sự hay không?

Một chi cục trưởng Chi cục THA dân sự ở TP.HCM, một cán bộ Cục THA dân sự TP.HCM, một chánh án TAND quận ở TP.HCM (đều đề nghị không nêu tên) cho biết chưa bao giờ họ gặp trường hợp nào mà tòa lại đi hủy quyết định của cơ quan THA cả.

Theo các cán bộ này, tòa chỉ có thể hủy quyết định hành chính, trong khi theo quy định hiện hành thì quyết định của cơ quan THA dân sự không phải là quyết định hành chính. Trong quá trình cơ quan THA kê biên tài sản để THA mà phát sinh ra tình tiết mới (tài sản kê biên có liên quan đến người thứ ba), cơ quan THA sẽ phải đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án đang thi hành để xét xử lại từ đầu. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm hủy án thì cơ quan THA sẽ căn cứ vào đó để đình chỉ các quyết định THA liên quan.

Đồng tình, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) phân tích: Căn cứ vào Điều 25 và Điều 32a BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì quyết định kê biên tài sản của cơ quan THA không phải là quyết định hành chính nên trong mọi trường hợp đây không phải là đối tượng để tòa thụ lý, giải quyết.

Hai trường hợp hủy quyết định THA

Chỉ có cơ quan THA dân sự cấp trên mới được phép hủy quyết định của cơ quan THA dân sự cấp dưới. Hoặc trong trường hợp bản án đang được thi hành bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan THA đang thụ lý, giải quyết vụ việc đó sẽ phải đình chỉ tất cả quyết định THA liên quan.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm