Tòa khổ vì… ba cây dừa

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa vụ tranh chấp quyền sử dụng 14 m2 đất giữa bà LTT với vợ chồng ông VTP ra xét xử.

Hết tranh chấp đất

Theo hồ sơ, năm 2007, bà T. mua một mảnh đất diện tích 250 m2 cạnh nhà ông P. (đã được UBND tỉnh Trà Vinh cấp giấy đỏ). Lúc này, ranh giới đất giữa hai nhà được xác định bằng hai trụ đá. Thế nhưng đến tháng 6-2010, ông P. tự ý cắm trụ ranh lấn qua diện tích đất nhà bà T. hơn 14 m2 để trồng ba cây dừa. Bà T. bèn đâm đơn kiện đòi lại phần đất mà hàng xóm đã lấn chiếm.

Phần ông P. thì nói không có chuyện ông tự ý lấn đất của bà T. Ông nói phần đất của nhà bà T. đang ở hiện nay vốn là của gia đình ông K. trước đây. Từ trước năm 1984, ranh giới giữa đất nhà ông với nhà ông K. có một bờ ranh mà hai bên đã trồng dừa cho đến nay. Đến năm 2007, khi bán đất cho bà T., ông K. đã tự ý cắm trụ đá lấn sang phần đất của ông 6 tấc nên đến năm 2010, ông mới… lấn lại. Nay ông yêu cầu tòa phân xử lại ranh đất cho đúng thực tế.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Trà Vinh nhận thấy theo dữ liệu địa chính lập năm 1983 thì mảnh đất của ông T. rộng 1.540 m2 nhưng theo dữ liệu năm 1991, mảnh đất của ông tăng lên thành 1.556 m2. Trong khi đó, mảnh đất của bà T. theo dữ liệu địa chính lập năm 1983 là 250 m2 nhưng theo dữ liệu của năm 1991 lại giảm xuống chỉ còn hơn 230 m2.

Như vậy, theo dữ liệu địa chính thì có thể thấy ông P. đã lấn ranh sang phần đất của bà T. gần 20 m2. Tuy nhiên, do bà T. chỉ yêu cầu vợ chồng ông P. trả lại hơn 14 m2 nên tòa buộc vợ chồng ông P. phải trả lại cho bà T. từng đó.

Thắng kiện, bà T. vẫn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại vì cho rằng tòa sơ thẩm đã quên không giải quyết “số phận” của ba cây dừa mà ông P. trồng trên phần đất lấn chiếm.

Lại đến tranh chấp dừa

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T. trình bày rằng sau khi trả đất, ông P. đã sang đòi bà phải bồi thường giá trị của ba cây dừa. “Ba cây dừa đó đã lớn nên khi ông ấy đòi, tôi nói sẽ trả 600.000 đồng/cây nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy nhất định bắt tôi phải đi giám định giá trị mỗi cây dừa bao nhiêu thì phải trả đúng bấy nhiêu. Là hàng xóm, tôi nghĩ cần phải sống có chút tình chút nghĩa nhưng ông ấy làm quá nên tôi phải nhờ tòa tiếp tục phân xử” - bà T. nói.

Ông P. phản bác: “Ba cây dừa là công tôi chăm sóc bao lâu nay. Năm nào chúng cũng cho trái, cả hai nhà đều ăn. Nay đùng một cái, bà ấy kiện đòi đất và đòi chặt luôn cả ba cây dừa. Khi tôi sang đòi tiền, bà ấy mới chịu bồi thường mỗi cây 600.000 đồng. Số tiền ấy làm sao đủ công tôi chăm sóc bấy lâu nay. Tôi yêu cầu tòa hoãn xử để định giá ba cây dừa”.

Trước đây, hòa giải không xong, tòa phúc thẩm từng hai lần phải hoãn xử vì ông P. lúc đòi dừa, lúc lại quay sang đòi đất. Lần này, tòa không đồng ý hoãn xử nữa. Tòa phân tích với hai bên rằng ông P. đã lấn chiếm đất của bà T. thì phải trả lại đất là đúng. Tuy nhiên, trên đất có ba cây dừa mà ông P. đã trồng và có công chăm sóc, nay bà T. lấy lại đất thì phải trả giá trị ba cây dừa là hợp lý, thể hiện được tình làng nghĩa xóm với nhau...

Sau khi nghe tòa thuyết phục, bà T. đồng ý trả mỗi cây dừa lên 1 triệu đồng. Ông P. vẫn không chịu, một hai nhất quyết đòi tòa hoãn xử để định giá.

Chủ tọa bèn hỏi: “Hiện nay, theo giá thị trường ở địa phương thì 14 m2 đất đó trị giá hơn 8 triệu đồng. Hay bây giờ ông lấy 14 m2 đất rồi trả cho bà T. số tiền ấy cộng với 3 triệu đồng giá trị ba cây dừa?”. Nghe tòa hỏi, ông P. xuống hội ý với các thành viên trong gia đình rồi lên trả lời rằng: “Không! Tôi xin trả đất cho bà T. và nhận 3 triệu đồng giá trị của ba cây dừa”.

Thấy ông P. chịu nhận tiền, chủ tọa thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên sửa một phần án sơ thẩm, buộc ông P. phải trả hơn 14 m2 đất cho bà T., còn bà T. trả 3 triệu đồng giá trị ba cây dừa cho ông P. như hai bên đã thống nhất tại phiên xử.

NGỌC THÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm