TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm vụ tranh chấp đất giữa bà T. và bà C., giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm lại. Vụ tranh chấp này đã kéo dài bảy năm, xuất phát từ việc hai cơ quan là tòa án và UBND cùng giải quyết khiến có sự mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền.
Một tranh chấp, hai nơi giải quyết
Năm 1965, bà T. có khai phá được một mảnh đất nay thuộc phường Cam Phú, TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau đó bà T. cho bà C. (người cùng quê) cất một nhà tạm trên đất, tiếp đó cháu ngoại bà C. là ông P. cùng vợ đến sống cùng.
Năm 2007, bà C. chết. Ba năm sau, bà T. yêu cầu vợ chồng ông P. trả lại cho bà phần diện tích đất có ngôi nhà. Cuối năm 2010, UBND phường Cam Phú đã hòa giải nhưng không thành. Do hai bên tranh chấp đều không có giấy đỏ phần diện tích đất tranh chấp nên phường hướng dẫn hai bên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp.
Sau đó, tranh chấp được chuyển đến UBND TP Cam Ranh. khi nơi đây chưa có quyết định giải quyết thì tháng 3-2011, bà T. lại khởi kiện ra TAND TP Cam Ranh và được tòa này thụ lý. Ba tháng sau, bà T. có đơn yêu cầu tòa tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do UBND cùng cấp đang thụ lý giải quyết tranh chấp. Yêu cầu này được tòa án chấp nhận.
Tiếp đó, tháng 11-2011, chủ tịch UBND TP Cam Ranh đã ra quyết định giải quyết tranh chấp với nội dung buộc vợ chồng ông P. phải trả lại diện tích đất mà bà T. yêu cầu.
sau đó, bà T. vẫn yêu cầu tòa án tiếp tục giải quyết vụ án trước đó đã yêu cầu tạm đình chỉ. Cuối năm 2013, TAND TP Cam Ranh xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của bà T., buộc bị đơn phải trả lại đất nhưng bà T. phải hoàn trả giá trị căn nhà là hơn 5,5 triệu đồng cho vợ chồng ông P. HĐXX nhận định bị đơn không tuân thủ quy định của pháp luật về việc giải quyết khiếu nại quyết định hành chính (hết thời hạn khiếu nại). Vì thế quyết định giải quyết tranh chấp của UBND TP Cam Ranh đã có hiệu lực pháp luật.
Phía bị đơn kháng cáo, cho rằng tòa án cấp sơ thẩm giải quyết là không đúng thẩm quyền. Ngoài ra, bị đơn cũng cho rằng mình không nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của ủy ban. Từ đó vợ chồng ông P. đề nghị tòa phúc thẩm hủy án, đình chỉ giải quyết vụ kiện để tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa giải quyết theo Luật Đất đai. Thực tế vợ chồng ông vẫn đang yêu cầu UBND tỉnh giải quyết tiếp.
Đình chỉ xong thì kiến nghị sửa sai
Tháng 7-2014, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ kiện.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trong khi đất tranh chấp chưa có giấy đỏ hoặc giấy tờ theo khoản 1, khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai 2003 là vi phạm thẩm quyền giải quyết vụ việc. Thẩm quyền này là của UBND. Đã vậy, trong quá trình giải quyết, tòa còn chấp nhận yêu cầu tạm đình chỉ theo yêu cầu của bà T. để chờ ủy ban giải quyết tranh chấp và tiếp tục giải quyết lại vụ kiện khi ủy ban đã có quyết định giải quyết là vi phạm tố tụng dân sự. Đúng ra trường hợp này tòa phải trả lại đơn khởi kiện.
Tuy nhiên, tháng 4-2016, chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn kiến nghị tòa cấp trên xem xét lại bản án phúc thẩm do tòa này xét xử. Lý do, nguồn gốc đất tranh chấp đã được một bên đương sự kê khai đăng ký năm 1985 theo sổ đăng ký ruộng đất của thị trấn Ba Ngòi (nay là UBND phường Cam Phú). Do vậy, tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Nhận được văn bản kiến nghị này, mới đây chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm trên.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định đương sự đã có tên trong sổ đăng ký ruộng đất từ năm 1985. Do vậy, tranh chấp trong vụ này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai 2003 (nay là khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013).
Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa phúc thẩm đã không thực hiện việc xác minh nguồn gốc tại UBND phường nơi có đất tranh chấp. Tòa cũng không tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của BLTTDS nên có thiếu sót khi không biết thửa đất đương sự đã được đăng ký đất đai.
Cấp phúc thẩm cho rằng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ theo khoản 1 và khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 nên thuộc thẩm quyền của UBND để hủy án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án là không đúng.
Vì vậy, quyết định giám đốc thẩm đã hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm lại.
Phát sinh thêm vụ kiện mới Sau khi có bản án sơ thẩm của tòa, tháng 12-2014, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định giải quyết tranh chấp theo hướng công nhận quyết định của chủ tịch UBND TP Cam Ranh là đúng. Từ đây, vợ chồng ông P. lại khởi kiện vụ án hành chính tại TAND tỉnh, yêu cầu hủy hai quyết định của chủ tịch UBND TP Cam Ranh và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Tháng 12-2015, TAND tỉnh thụ lý vụ án hành chính này. sau khi tòa tỉnh kiến nghị xem lại bản án phúc thẩm của chính mình thì tháng 6-2016, tòa này đã có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện với lý do cần đợi kết quả kháng nghị vụ án dân sự có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đến nay việc tạm đình chỉ vẫn còn giá trị. |