Hủy án nhiều vòng, bị tạm giam bao lâu?

Mới đây, trong phiên xử phúc thẩm lần hai, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án vụ liên quan đến sai phạm tại Công ty TNHH MTV Điện lực Biên Hòa (Điện lực Biên Hòa), trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại từ đầu.

Hai trong số sáu bị cáo kêu oan và đã bị tạm giam sáu năm (từ tháng 11-2011) và đang chờ ra hầu tòa tiếp. Vấn đề pháp lý đặt ra là luật quy định về thời hạn tạm giam cho một vòng tố tụng như thế nào và thực tế áp dụng ra sao?

Án bị hủy đi hủy lại

Vụ này, hai bị cáo Vũ Hoàng Đang (nguyên nhân viên phòng thu ngân tại Điện lực Biên Hòa) và bị cáo Hồ Thanh Trúc (nguyên nhân viên ngân hàng) bị truy tố về tội tham ô tài sản. Hai bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái và hai bị cáo bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến 2011, Đang và Trúc lợi dụng sự quản lý sơ hở của Điện lực Biên Hòa đã câu kết thu tiền điện của khách hàng nhưng giữ lại một phần không giao nộp. Để che giấu, hai bị cáo dùng thủ đoạn lấy ủy nhiệm chi của khách hàng sau chấm xóa nợ cho khách hàng trước. Bằng cách này Trúc và Đang đã chiếm đoạt của Điện lực Biên Hòa gần 9,8 tỉ đồng.

Các bị cáo Trương Thị Ngọc Thảo, Đồng Ngọc Thanh đã cố ý làm trái quy trình thu và theo dõi nợ tiền điện của ngành điện, tạo điều kiện cho Đang và Trúc tham ô. Cụ thể, nhờ Thảo mà Đang và Trúc chiếm đoạt được hơn 6,5 tỉ đồng, nhờ Thanh mà Đang và Trúc chiếm đoạt hơn 3,2 tỉ đồng. Ba bị cáo Nguyễn Thị Thủy, Đào Ngọc Phước, Lại Bá Cường làm trái quy trình, thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, không thực hiện đúng nhiệm vụ giúp sức cho Đang và Trúc phạm tội.

Bị cáo Vũ Hoàng Đang tại tòa. Ảnh: TD

Tháng 6-2014, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm phạt Đang 20 năm tù, Trúc 18 năm tù. Các bị cáo Thảo bị phạt năm năm tù giam, Thanh bị phạt hai năm tù treo, Phước và Cường cùng bị phạt ba năm tù treo. Riêng bị cáo Thủy do đang bị bệnh tâm thần nên bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Cuối năm 2014, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại...

Tháng 3-2016, TAND tỉnh xử sơ thẩm lần hai phạt Đang 18 năm tù, Trúc 16 năm tù. Bốn bị cáo còn lại lãnh án từ ba năm tù treo đến năm năm tù giam. Bản án này đã bị tuyên hủy như trên.

Tại các phiên tòa, hai bị cáo Đang và Trúc cùng kêu oan tội tham ô tài sản, cho rằng chỉ có hành vi làm sai quy định, quy trình của ngành điện lực dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đến nay hai bị cáo này đã bị tạm giam tổng cộng sáu năm. Bốn bị cáo còn lại do bị truy tố với tội danh khác nhẹ hơn nên được tại ngoại.

Còn trả hồ sơ là còn bị lạm dụng

Luật quy định thời hạn tạm giam nhưng lại không quy định cụ thể tòa án được hủy án để điều tra lại và điều tra bổ sung bao nhiêu lần. Nên với những vụ án nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tình tiết phức tạp, án liên tục bị hủy thì quy định về thời hạn tạm giam không còn ý nghĩa. Thực tế có tình trạng tạm giam vô thời hạn, đến khi nào tòa kết án được mới thôi. Cho nên việc xét xử phải có điểm dừng, tòa không trả hồ sơ tới lui nhiều lần.

LS TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Thực thi mới quan trọng

Trung bình một vòng tố tụng của một vụ án phức tạp từ khi điều tra đến khi xử phúc thẩm bị hủy án đã mất khoảng hai năm, nếu bị tòa hủy đi hủy lại thì chắc chắn vụ án đó sẽ vi phạm việc tạm giam. Thậm chí việc lạm dụng còn cấu thành tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (Điều 303 BLHS). Do vậy đây là câu chuyện không mới, có chăng chỉ là cách người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng hay không mà thôi.

LS TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn LS TP.HCM

T.TÙNG ghi

Chỉ tạm giam tối đa 16 tháng

Chiều 19-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Hậu (Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của VKSND tỉnh Đồng Nai) cho biết việc tạm giam với các bị cáo trong vụ án này là đúng. Bởi vụ án đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy hai lần để điều tra lại từ đầu. Do đó khi điều tra lại thì quy trình tố tụng sẽ quay lại từ đầu. Trong từng giai đoạn, các cơ quan tố tụng lại áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS. Do đó thời gian tạm giam là không quá hạn.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Thanh Tuấn (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai), Điều 120 BLTTHS 2003 quy định rõ thời hạn này. Cụ thể, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khi hết thời hạn tạm giam thì được trả tự do, nếu xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Nếu vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ tạm giam thì cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng. Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng. Điều luật cũng quy định chỉ có viện trưởng VKSND Tối cao mới có quyền gia hạn tạm giam lần thứ ba.

Đối chiếu với quy định trên thì một vòng tố tụng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng cũng chỉ được tạm giam tối đa 16 tháng. Nếu tòa hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu thì cũng không được quá thời gian này. Đối với vụ án này, mới trải qua hai vòng tố tụng nhưng đã tạm giam bị cáo sáu năm là vi phạm thời hạn luật định.

Bị gia hạn tạm giam 44 lần

Đây là trường hợp hy hữu trong “kỳ án” Đặng Nam Trung (nguyên giám đốc Công ty Đầu tư phát triển du lịch và khoa học kỹ thuật thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia) bị truy tố về tội tham ô tài sản. Ngoài ra, vụ án có 10 bản kết luận điều tra, bảy lần tòa mở phiên xử, hàng chục phiên tòa bị hoãn…

Năm 1998, với tư cách giám đốc, ông Trung đã ký hợp đồng với một công ty nước ngoài mua máy sàng nghiền đá. Nhưng ông đề nghị phía đối tác nâng khống 25% giá hợp đồng để bỏ túi hơn 300.000 USD (hơn 4 tỉ đồng)... Trong phiên xử sơ thẩm lần thứ bảy ngày 4-2-2010, TAND TP.HCM đã phạt ông Trung sáu năm hai tháng một ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) và trả tự do ngay tại tòa.

T.TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm