Có ý kiến cho rằng việc hủy án của Tòa Phú Yên trong trường hợp này là sai.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có ý kiến như sau:
Vụ án được xét xử sơ thẩm vào ngày 27-7-2016, trước ngày 1-7-2016 được áp dụng theo Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2004 và sửa đổi năm 2011 để giải quyết.
Theo khoản 4 Điều 60 Luật TTDS sửa đổi năm 2011 thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Về bản chất, yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập. Nhưng vì yêu cầu này có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đang được giải quyết và nhằm cho vụ án giải quyết chính xác, nhanh chóng hơn nên bị đơn có quyền yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án. Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012 có hướng dẫn thêm về việc phản tố của bị đơn.
Về thủ tục, thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, khoản 1 Điều 176 Bộ Luật TTDS sửa đổi năm 2011 quy định, cùng với việc phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đồng thời, khoản 3 Điều 176 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Với các quy định này có thể hiểu, khoảng thời gian mà bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố chỉ trong khoảng thời gian từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án cho đến trước thời điểm tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Theo Điều 130 và Điều 178 Luật TTDS năm 2004 thì thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định như về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn và phải nộp tiền tạm ứng án phí. Như vậy, trường hợp có yêu cầu phản tố nhưng tòa án không thông báo cho bị đơn nộp tiền án phí (trừ trường hợp được miễn tiền tạm ứng án phí) thì bị đơn phải khiếu nại ngay hành vi của thẩm phán để không bị mất quyền của mình.
Việc tòa cấp phúc thẩm tỉnh Phú Yên hủy án để chuyển hồ sơ giải quyết sơ thẩm lại vì lý do bị đơn có yêu cầu phản tố nên được coi là tình tiết mới khi yêu cầu phản tố này không được xem xét là không đúng quy định Điều 310 Luật TTDS năm 2015 về hủy án sơ thẩm, hủy một phần án sơ thẩm.
Việc hủy án sơ thẩm này là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây ảnh hưởng đến chính người tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm, thiệt hại cho nguyên đơn và chỉ làm kéo dài việc giải quyết vụ án. Đúng ra cấp phúc thẩm chỉ xem xét nội dung bản án sơ thẩm và hướng dẫn bị đơn khởi kiện vụ án mới. Để sửa sai thì Viện hoặc tòa cấp trên có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để sửa sai lầm của phúc thẩm, như vậy mới đúng vấn đề và khắc phục hậu quả gây thiệt hại cho các bên và cả người tiến hành tố tụng.