Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm kết tội bị cáo Nguyễn Thị Bích Khiêm (sinh năm 1961, ngụ TP.HCM) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì chưa có căn cứ vững chắc.
Sơ thẩm phạt bảy năm tù
Theo cáo trạng, từ tháng 4-2014 đến tháng 8-2014, Công ty Thiên Nhiên do bị cáo Khiêm làm giám đốc có quan hệ mua bán gạo với Công ty TNHH MTV Kinh doanh Chế biến lương thực Hiếu Nhân (Công ty Hiếu Nhân) do bà Cao Thị Gọn làm giám đốc.
Ngày 18-5-2014, bị cáo Khiêm và bà Gọn ký hợp đồng gửi giữ tài sản với nội dung Công ty Thiên Nhiên nhận giữ cho Công ty Hiếu Nhân 10 ghe gạo có trọng lượng hơn 1.147 tấn… Sau khi nhận gạo gửi giữ, Công ty Thiên Nhiên xuất trả hai ghe gạo (tương đương hơn 229 tấn) cho Công ty Hiếu Nhân, còn tám ghe gạo (tương đương 918 tấn, trị giá hơn 12 tỉ đồng) thì bị cáo Khiêm thế chấp cho một ngân hàng vay tiền. Đồng thời bị cáo chỉ đạo nhân viên ghi thêm vào phiếu nhập kho nội dung “theo HĐ số 15 của Công ty Hiếu Nhân”, ghi chủng loại gạo không đúng với phiếu giao nhận hàng hóa để chuyển số gạo gửi giữ thành gạo mua bán.
Sau đó, chồng bà Gọn yêu cầu nhận lại số gạo thì bị cáo viết giấy hẹn đến tháng 10-2014 sẽ trả. Đến hẹn, bị cáo không thực hiện. Chồng bà Gọn tiếp tục đòi thì bị cáo chỉ đạo quản đốc, kế toán, thủ kho công ty mình ký giấy hẹn đến tháng 12-2014 sẽ trả đủ số gạo. Đến hẹn, bị cáo vẫn không thực hiện và đem toàn bộ số gạo Công ty Hiếu Nhân gửi bán cho hai công ty khác.
Từ tố cáo của phía bà Gọn, bị cáo Khiêm bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 140 BLHS (khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân).
Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2017, TAND tỉnh Đồng Tháp đã phạt bị cáo bảy năm tù (dưới khung hình phạt truy tố) và buộc bồi thường cho Công ty Hiếu Nhân hơn 6,9 tỉ đồng (sau khi đã khấu trừ tiền công giữ gạo và giá trị hai thửa đất mà bị cáo giao cho Công ty Hiếu Nhân).
Bị cáo Khiêm khóc tại phiên tòa phúc thẩm và cho rằng mình bị oan. Ảnh: Y.CHÂU
Hợp đồng nào mới là thật?
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Khiêm kháng cáo kêu oan. Phía bị hại thì kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo và đề nghị cấp phúc thẩm không khấu trừ tiền công gửi gạo. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị hại không đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo nữa mà đề nghị tòa không chấp nhận các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Khiêm khai hợp đồng gửi giữ gạo với Công ty Hiếu Nhân là ký khống nhằm giúp Công ty Hiếu Nhân thuận lợi trong việc thực hiện giao dịch với đối tác khác. Theo bị cáo Khiêm, sau khi ký khống hợp đồng gửi giữ gạo, bà Gọn thỏa thuận với bị cáo chuyển từ gạo gửi của cá nhân bà Gọn sang gạo gửi của Công ty Hiếu Nhân để bán lại cho Công ty Thiên Nhiên và hai bên tiếp tục ký hợp đồng kinh tế số 15 (ngày 15-7-2014). Hợp đồng này mới là thật.
Trong khi đó, phía bị hại lại khai hợp đồng gửi giữ gạo mới là thật, còn hợp đồng số 15 là giả nhằm giúp bị cáo Khiêm vay tiền để chi trả cho 48 ghe gạo khác đã mua trước đó của Công ty Hiếu Nhân.
Kết tội là chưa có căn cứ vững chắc
Theo tòa phúc thẩm, bị cáo và bị hại không thống nhất được với nhau về số lượng gạo đã mua bán. Về số gạo gửi giữ, bị hại cho rằng thực tế hợp đồng gửi giữ là đúng, còn hợp đồng kinh tế số 15 là giả, ngược lại bị cáo cho rằng hợp đồng gửi giữ là giả, hợp đồng kinh tế số 15 là thật vì số gạo bà Gọn gửi với tư cách cá nhân, bà Gọn đã thỏa thuận chuyển sang gạo gửi của Công ty Hiếu Nhân và bán lại cho Công ty Thiên Nhiên theo hợp đồng kinh tế số 15. Tuy không có văn bản thỏa thuận từ gạo gửi sang gạo bán nhưng tòa phúc thẩm nhận thấy thời gian thực hiện việc này phù hợp với thời gian thực hiện trong hợp đồng kinh tế số 15.
Mặt khác, tòa phúc thẩm nhận thấy hai bên không thống nhất được về loại gạo, CQĐT cũng chưa điều tra, làm rõ việc bị cáo bán gạo cho hai công ty khác là loại gạo gì. Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng cần phải lấy lời khai của phía hai công ty đã mua gạo và công ty kiểm định để xác định loại gạo.
Ngoài ra, theo tòa phúc thẩm, bị cáo Khiêm có lấy gạo Công ty Hiếu Nhân gửi đem bán là sai nhưng bị cáo đã trả hơn 10 tỉ đồng và thế chấp hai giấy đỏ cho Công ty Hiếu Nhân. Hiện nay hai bên còn tranh chấp về việc mua bán gạo, loại gạo, số tiền… Những chuyện này cấp sơ thẩm chưa điều tra, làm rõ. Tòa phúc thẩm nhận định cần phải điều tra, làm rõ từng mảng mới xác định được bị cáo có hành vi chiếm đoạt hay không. Việc tòa sơ thẩm kết án tù và buộc bị cáo bồi thường hơn 6,9 tỉ đồng cho bị hại là chưa có căn cứ vững chắc.
Về thủ tục, tòa sơ thẩm đã đưa thiếu những người tham gia tố tụng trong vụ án.
Từ những phân tích trên, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Hình sự hóa quan hệ dân sự? Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện VKS đồng tình với tòa sơ thẩm về việc quy kết tội danh đối với bị cáo. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng cấp sơ thẩm không đưa đầy đủ những người liên quan vào tham gia vụ án là vi phạm tố tụng nên đề nghị tòa hủy một phần bản án sơ thẩm. Ngược lại, luật sư của bị cáo cho rằng thân chủ bị oan. Theo luật sư, hợp đồng gửi giữ gạo là hợp đồng khống, mặt khác hợp đồng này có mâu thuẫn về thời gian, không gian và chủ thể ký kết nên phải bị vô hiệu. Luật sư cũng đặt ra giả thiết nếu hợp đồng gửi gạo là có thật thì đây cũng chỉ là quan hệ dân sự vì điều 7 của hợp đồng quy định nếu có tranh chấp thì do tòa án giải quyết nên bị hại có thể yêu cầu giải quyết bằng thủ tục dân sự chứ không phải hình sự. Từ đó, luật sư cho rằng việc bị hại nộp đơn tố cáo và CQĐT khởi tố vụ án là hình sự hóa quan hệ dân sự. Thêm vào đó, luật sư cho rằng hợp đồng kinh tế số 15 mới là thật vì sau khi ký hợp đồng này, bị cáo đã thanh toán tiền và bị hại đã xuất hóa đơn. Tuy nhiên, do gạo không đạt chất lượng nên phía bị hại đã thỏa thuận với bị cáo mua lại số gạo trên bằng việc ký tiếp hợp đồng mua bán khác nhưng phía bị hại đã không thực hiện. Cạnh đó, luật sư lý giải bị cáo sửa loại gạo cho đúng với thực tế là gạo Jasmine (không phải gạo KDM) là do lúc nhập hàng bị cáo tin tưởng phía bị hại cho đến khi có công ty kiểm định thì mới phát hiện sai loại gạo và điều chỉnh. |