Sáng nay 25-9, khi chưa kết thúc phần xét hỏi, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án "mẹ làm chết con gái hai tuổi" vì có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội giết người.
Tại phiên tòa hôm nay, Phượng cho rằng mình vô ý để vòng tay chẹn ngang cổ của con, hoàn toàn không hay biết đã làm con chết, đến khoảng 7 giờ mới biết nên đã tự tử...
Ba thành viên HĐXX đều là nữ, cho rằng khi con nằm trên người mẹ, lẽ bình thường từng hơi thở của con, người mẹ đều cảm nhận được.
HĐXX đặt vấn đề sao khi phát hiện con đã chết, bị cáo không lo cứu con hoặc nhờ cậy người khác cứu con mà lại tiếp tục đắp mền lên người bé và tìm cách tự tử. Điều này không phù hợp tâm lý một người mẹ.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Châu Thị Điệp nhấn mạnh đến việc phải tôn trong bản chất sự việc, căn cứ trên bằng chứng khách quan khoa học là kết luận giám định.
Giọng thẩm phán có khi chùng xuống: "Với cảm nhận của một người mẹ, bị cáo phải biết vì sao con mình chết, bị cái gì mà chết. Bị cáo có quyền phủ nhận bản chất sự việc, chứng minh bị cáo có tội gì là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Bản thân tôi là một phụ nữ, HĐXX ở đây toàn nữ, không ai muốn làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Clip HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ "Mẹ làm chết con gái hai tuổi".
Tuy nhiên, bản chất sự việc phải được tôn trọng. Chỉ khi làm rõ bản chất sự việc, nhìn nhận đúng vấn đề thì cái tâm của bị cáo mới thanh thản. Trong lòng bị cáo phải biết nguyên nhân chết của con mình thực sự là gì. Chúng tôi cũng là những người mẹ, chúng tôi cảm nhận được hết nỗi đau của bị cáo, cảm nhận được bức xúc của bị cáo. Ngay cả chính ông Trang, không phải cha ruột của đứa bé, cũng nhìn nhận rằng ông biết con đã chết từ ở dưới lầu trệt, trước khi mà ông phát hiện. Bình thường con tôi đụng dậy một cái là nó khóc, nó la, hôm nay làm rần rần mà sao nó im re, kể cả đi lên lầu nằm đến sáng nó cũng im re".
Chủ tọa cho rằng là mẹ mà không cảm nhận được lại để con chết trên người thì nghe rất vô lý. "Có phải là không ai cần sự tồn tại của đứa bé? Ngay cả người cha ruột của đứa bé cũng từ chối luôn, không đồng ý là người giám hộ vì sợ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Cả cha ruột và cha trên giấy tờ đều làm đon bãi nại cho bị cáo. Có thể tôi xử theo VKS, sẽ không có kháng cáo kháng nghị vì xử đúng tội danh truy tố. Nhưng vong linh đứa bé sẽ không siêu thoát, đó là trách nhiệm của HĐXX", chủ tọa nói.
Giám định viên đã có mặt để giải thích về các vấn đề liên quan đến cái chết của bé N. như theo phản xạ bản năng, khi bị chèn ép lấp đường thở, nạn nhân có phản xạ như giãy dụa, cào cấu. Nạn nhân bị chẹn đường hô hấp trên ở vùng cổ, do lực tác động từ bên ngoài vào.
HĐXX nhận định, theo cáo trạng thì "trong lúc ôm con nằm ngửa trên người, tay trái Phượng có đeo nhiều vòng kim loại tiếp xúc mạnh vào cùng cổ của con dẫn đến làm chẹn đường hô hấp làm bé ngạt thở, tử vong". Kết luận này không phù hợp bản tự khai, lời khai tại CQĐT và lời khai tại phiên toà ngày 21-4 của Phượng, lời khai người làm chứng là khi nằm ngửa, bé N đã khóc, sau khi Phượng cho con nằm sấp, úp mặt vào lồng ngực, bé vẫn còn khóc một lúc, sau đó thì không khóc nữa cho đến khi phát hiện đã chết. Giải thích pháp y của giám định viên tại phiên toà cho thấy toàn bộ vòng simen nằm trên cẳng tay, không tiếp xúc vùng cổ, nếu có tác động của vòng thì tử thi phải có dấu vết để lại...
Căn cứ kết luận giám định và các văn bản trả lời của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM về nguyên nhân tử vong và thời gian tử vong, phần xét hỏi tại phiên tòa hôm nay với giải thích kết luận giám định pháp y của giám định viên về nguyên nhân chết, tư thế chết của bé N., HĐXX xét thấy đã đủ cơ sở để xác định: Bé N. đã chết trong khoảng thời gian mẹ cho bé nằm ngửa, dùng lực siết vùng cổ gây tổn thương. Khi thấy con khóc, bị cáo đã cho con nằm sấp úp thẳng mũi, mặt và miệng vào lồng ngực khiến bé chết ngạt do chẹn đường hô hấp trên vùng cổ. Chính bị cáo đã dùng lực để gây ra tổn thương vủng cổ, chẹn đường hô hấp trên vùng cổ khiến con chết ngạt.
Do không có căn cứ để xác định tại thời điểm phạm tội, Phượng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để không thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra là nguy hiểm cho con. Hành vi của bị cáo là cố ý. Bị cáo đã thấy trước hậu quả nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra, chấp nhận hậu quả xảy ra.
HĐXX cho rằng có căn cứ để xác định bị cáo phạm tội giết người theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS, đề nghị VKS xem xét lại tội danh vô ý làm chết người.
Theo cáo trạng, vợ chồng Phượng kết hôn năm 2000, đã có hai con, một trai, một gái.
Trong thời gian buôn bán vải tại chợ Tân Bình, Phượng ngoại tình với người đàn ông bán vải tại sạp cùng số ở cạnh bên và sinh được một bé gái.
Một tháng sau, 10 giờ đêm 9-2-2016, anh Trang kêu Phượng vào phòng hỏi sự việc nhưng Phượng né tránh. Tức giận, anh Trang đánh Phượng 3-4 cái vào mặt rồi đóng cửa phòng lại không cho Phượng ra ngoài.
Trong đêm, Phượng đã tìm cách tự tử nhiều lần nhưng đều bị phát hiện ngăn cản. Lúc ôm con nằm ngửa trên người, tay trái của Phượng có đeo nhiều vòng kim loại tiếp xúc mạnh vào vùng cổ của con dẫn đến làm chẹn đường hô hấp. Phượng sờ gò má của con thấy lạnh, liền đưa tay lên mũi thì phát hiện bé tắt thở nên Phượng lấy kéo cắt đứt gân gấp cổ tay quay, gân gan tay dài, đứt thần kinh giữa, tỉ lệ thương tật 23%. Phượng trở lại nằm kế bên con, lấy mền đắp lên người cả hai cho đến khi chồng phát hiện…
|