Ngày 10-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab). HĐXX tuyên y án sơ thẩm, buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.
Tòa nhận định về vụ kiện
Theo tòa, Đề án 24 cho phép bị đơn thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong vận chuyển hành khách theo hợp đồng, tức là bị đơn chỉ được cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng.
Bị đơn cho rằng không can thiệp vào giá cước, cách vận hành, quản lý xe và tài xế. Tuy nhiên, trên thực tế bị đơn đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi. Bởi lẽ bị đơn thực hiện hoạt động của một đơn vị kinh doanh vận tải như lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ tài xế, tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, thực hiện cung cấp thông tin hai chiều cho tài xế và khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình xe, giá cước, triển khai các chương trình khuyến mãi…
Qua đó chứng minh bị đơn đã sử dụng phần mềm, biết các đối tác sử dụng phần mềm của mình phải phụ thuộc vào sự quản lý của mình. Cụ thể, bị đơn chia lợi nhuận theo tỉ lệ nhất định với tài xế, tiếp nhận phản hồi của khách hàng để quyết định thưởng phạt với tài xế.
Những cách thức trên thể hiện đó là hoạt động của một đơn vị vận tải nhưng lại quản lý theo khung pháp luật đối với hoạt động thương mại điện tử. Cách thức kinh doanh của bị đơn không phải là cung cấp kết nối hành khách và tài xế theo Đề án 24 mà là kinh doanh vận tải taxi.
Việc kinh doanh vận tải taxi phải tuân thủ nghị định của Chính phủ. Bị đơn không thực hiện đúng quy định điều chỉnh của Nhà nước về đăng ký giấy phép ô tô cũng như hoạt động của pháp luật về lao động (đóng bảo hiểm y tế).
“Trong thời đại 4.0, bị đơn đã cung cấp một loại hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi, người lao động có thêm thu nhập, người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Lợi ích bị đơn mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mô hình này đang biến tướng gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp vận tải nói riêng, các doanh nghiệp taxi truyền thống nói chung” - HĐXX nêu quan điểm.
Bị đơn không phải đóng các loại thuế như các doanh nghiệp vận tải, không phải chịu điều kiện kinh doanh như taxi, không phải gắn logo… HĐXX cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của bị đơn và thiệt hại của nguyên đơn.
Tòa án sơ thẩm cho rằng thiệt hại do sụt giảm vốn hóa thị trường của nguyên đơn không tách bạch được với phần thiệt hại do bị đơn gây ra nên không chấp nhận phần yêu cầu bồi thường thiệt hại 36 tỉ đồng là có căn cứ.
Cạnh đó, nguyên đơn cũng không xuất trình được các chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Bản án sơ thẩm là có căn cứ, hợp tình, hợp lý nên giữ nguyên.
Đại diện Vinasun (trái) và một trong những đại diện của Grab. Ảnh: HY
Vinasun đòi thêm 36 tỉ đồng
Tại tòa, phó tổng giám đốc Vinasun vẫn giữ nguyên yêu cầu Grab phải bồi thường thêm hơn 36 tỉ đồng do sự sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường.
Phía nguyên đơn cho rằng căn cứ vào kết quả giám định của Công ty Cửu Long thì phía Vinasun có thiệt hại thực tế do hành vi sai phạm của Grab. Sự giảm giá trị vốn hóa của Vinasun tương ứng với số đầu xe của Grab.
Đồng thời, nguyên đơn yêu cầu tòa phúc thẩm tiếp tục khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Theo công ty này, Grab vi phạm Đề án 24 khi hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi.
Theo Đề án 24, Grab chỉ được quyền hỗ trợ về công nghệ chứ không có quyền đưa ra mô hình kinh doanh mới. Thực tế, Grab đã điều hành như một doanh nghiệp vận tải.
Vinasun cho rằng đóng thuế đúng quy định của pháp luật về giao thông vận tải, còn Grab chỉ nộp thuế theo đơn vị kinh doanh phần mềm trong khi kinh doanh như doanh nghiệp vận tải taxi.
Ngược lại, phía Grab vẫn giữ nguyên lập trường yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Nếu tòa án cấp phúc thẩm không đình chỉ giải quyết vụ án thì cần sửa bản án sơ thẩm để xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Đề án 24, Nghị định 86.
Cạnh đó, Grab cũng yêu cầu bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì không có vi phạm đối với Vinasun. Vinasun không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab (nếu có) và thiệt hại (nếu có) của Vinasun.
Quan điểm của VKS về vụ kiện Tháng 12-2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng. Tòa sơ thẩm cho rằng Grab có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và có mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm của Grab với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, đơn vị này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của Vinasun. Sau đó, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm, cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận chỉ có duy nhất do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra. Sau đó, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định bổ sung kháng nghị cho rằng Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun. Đồng thời, viện này đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của phía Vinasun. |