Ngày 10-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Tại tòa, Phó Tổng Giám đốc VinaSun vẫn giữ nguyên yêu cầu Grab phải bồi thường thêm hơn 36 tỉ đồng do sự sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường.
Phía nguyên đơn cho rằng căn cứ vào kết quả giám định của Công ty Cửu Long thì phía Vinasun có thiệt hại thực tế do hành vi sai phạm của Grab. Sự giảm giá trị vốn hóa của Vinasun tương ứng với số đầu xe của Grab.
Đại diện Vinasun tại phiên phúc thẩm. Ảnh: HY
Đồng thời, nguyên đơn yêu cầu tòa phúc thẩm tiếp tục khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Theo công ty này, Grab vi phạm Đề án 24 khi hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi.
Theo đề án 24, Grab chỉ được quyền hỗ trợ về công nghệ chứ không có quyền đưa ra mô hình kinh doanh mới. Thực tế, Grab đã điều hành như một doanh nghiệp vận tải.
VinaSun nói rằng đóng thuế đúng quy định của pháp luật về giao thông vận tải còn Grab chỉ nộp thuế theo đơn vị kinh doanh phần mềm trong khi Grab kinh doanh như doanh nghiệp vận tải taxi.
Ngược lại, bị đơn Grab vẫn giữ nguyên lập trường yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Nếu tòa án cấp phúc thẩm không đình chỉ giải quyết vụ án thì cần sửa bản án sơ thẩm để xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Quyết định Đề án 24, Nghị định 86.
Một trong các đại diện của Grab tại phiên phúc thẩm. Ảnh: HY
Cạnh đó, Grab cũng yêu cầu bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của VinaSun vì không có vi phạm đối với VinaSun. VinaSun không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab (nếu có) và thiệt hại (nếu có) của VinaSun.
Liên quan vụ án này, VKS TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm, cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật nhưng Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận chỉ có duy nhất do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra.
Sau đó, Viện trưởng VKS Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định bổ sung kháng nghị cho rằng Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun. Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của phía Vinasun.
Tháng 12-2018, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM buộc Grab Việt Nam bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng.
Phiên xử vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận về thiệt hại... PLO sẽ cập nhật ở các bản tin sau.