Ngày 4-2, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Sau phần khai mạc, HĐXX thông báo tạm hoãn phiên tòa, dự kiến mở lại vào ngày 10-3. Theo tòa, do phía Grab, bị đơn, thay người đại diện pháp luật mới nên chưa nắm rõ hồ sơ, cần thêm thời gian nghiên cứu.
Các bên trong vụ tranh chấp ra về sau khi tòa dời lịch xử. Ảnh: HY
Đáng chú ý, phiên xử rất vắng, chỉ có những người được triệu tập và liên quan có mặt tại tòa. Tất cả đều đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh do virus Corona.
Tháng 12-2018, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM buộc Grab Việt Nam bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng. Theo HĐXX sơ thẩm, Grab có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và có mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm của Grab với thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, đơn vị này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thua lỗ của Vinasun.
Bản án xác định Grab cho rằng chỉ là công ty cung cấp công nghệ, không hoạt động kinh doanh vận tải taxi, các tài xế do hợp tác xã quản lý... Nhưng thực tế, Grab quản lý lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab hoặc trả cho tài xế sau đó chiết khấu. Việc thưởng, phạt lái xe do Grab quyết định - trái với Đề án 24.
Hoạt động kinh doanh của Grab không tuân thủ quy định. Theo luật, việc kinh doanh vận tải bằng ô tô phải bảo đảm số lượng, chất lượng, nhân viên phục vụ, có hợp đồng lao động, nhân viên phải được tập huấn an toàn giao thông, không sử dụng lái xe trong thời kỳ bị cấm, có nơi đậu xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động...
Tuy nhiên, Grab không thực hiện quy định này cũng như không nộp thuế.... Grab còn vi phạm quy định pháp luật về khuyến mãi, tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày. Từ đó, HĐXX cho rằng có căn cứ cho thấy những sai phạm của Grab gây thiệt hại cho Vinasun. Tuy nhiên, cần xem xét toàn diện mối quan hệ nhân quả.
Trước năm 2016, toàn thành phố có gần 300 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng, đến cuối năm 2017 là 23.000 xe. Tháng 6-2017, Vinasun có trên 1,1 triệu cuốc xe, Grab trên 2 triệu cuốc.
Điều này cho thấy lượng xe Grab không ngừng tăng. Ngược lại, xe Vinasun nằm bãi nhiều thiệt hại 4,8 tỉ, giảm thị trường kinh doanh 81 tỉ. Tổng cộng Vinasun thiệt hại trên 85 tỉ đồng.
Theo tòa, từ khi Grab vào Việt Nam đã có nhiều ảnh hưởng đến thiệt hại của Vinasun. Nhưng nguyên đơn không xác định tách bạch phần thiệt hại nào do Grab gây ra. Vì vậy, tòa không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun, chỉ chấp nhận phần thiệt hại hơn 4,8 tỉ đồng do xe nằm bãi.