Ngày 16-1, TAND TP.HCM xác nhận cả nguyên đơn Công Ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công Ty TNHH Grab (Grab) đều có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm liên quan đến vụ đòi bồi thường thiệt hại.
Trong đơn kháng cáo, Grab không chấp nhận bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng, đề nghị huỷ án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Nếu không đình chỉ thì đề nghị sửa án sơ thẩm xác định Grab không vi phạm đề án 24, nghị định 86, không kinh doanh vận tải.
Đại diện hai bên tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PLO
Đồng thời Grab yêu cầu tòa phúc thẩm bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì không chứng minh được hành vi vi phạm của Grab gây thiệt hại cho Vinasun.
Trong khi phía Vinasun kháng cáo một phần nội dung đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận buộc Grab bồi thường thêm số tiền hơn 36,3 tỉ đồng ngoài số tiền án sơ thẩm đã tuyên. Theo Vinasun, kết quả giám định Grab gây thiệt hại thực tế là đúng vì đã có hành vi kinh doanh vận tải làm giảm giá trị vốn hoá thị trường.
Lý do toà bác yêu cầu của Vinasun là vì có nguyên nhân thiệt hại nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của chính Vinasun, của nhà đầu tư. Do đó, không thể tách biệt xác định được thiệt hại nào của Grab là gây thiệt hại cho Vinasun.
Như PLO.VNđã phản ánh ngày 28-12, TAND TP.HCM đã tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng. Về chi phí giám định, toà tuyên buộc Grab phải trả lại số tiền hơn 347 triệu đồng cho nguyên đơn đã ứng thanh toán trước đó cho đơn vị giám định. Vinasun cũng phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền hơn 2,6 tỉ đồng.
HĐXX cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có những giải pháp thực tế để giải quyết Bộ GTVT và các đơn vị có thẩm quyền hữu quan sửa đổi nội dung cho phù hợp với thực tế “Đề án 24”, Bộ Tài chính có các giải pháp về quản lý giá cước vận chuyển, thuế đối với phù hợp với những quy định pháp luật của doanh nghiệp vận tải, cơ quan bảo hiểm xã hội khi người lao động tham gia làm việc cho Grab.