Ở cương vị trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành trọn ngày 25-8 để làm việc với tập thể lãnh đạo TAND Tối cao và VKSND Tối cao về thực hiện kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến chiến lược CCTP.
Không dễ định nghĩa về “quyền tư pháp”
Hiến pháp 2013 có điểm rất mới, lần đầu tiên hiến định “kiểm soát” quyền lực nhà nước giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đồng thời minh định tòa án là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”. Kết luận 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chiến lược CCTP ban hành sau đó (ngày 12-3-2014) cũng yêu cầu “xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện các hoạt động tư pháp”.
Trên tinh thần này, TAND Tối cao định nghĩa “quyền tư pháp” sinh ra từ hoạt động xét xử và chỉ có tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người. Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý. Các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, VKS là nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Do đó, sửa đổi các luật theo yêu cầu CCTP tới đây cần theo hướng: Tòa án có trách nhiệm xem xét tất cả hoạt động tố tụng từ khi bắt, giam giữ tới khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến quá trình điều tra, truy tố sau đó. Nếu phát hiện có gì không đúng đắn thì tòa án có quyền yêu cầu VKS, cơ quan điều tra làm lại hoặc tự mình tiến hành các hoạt động để làm sáng tỏ tình tiết vụ án. Tới khâu cuối cùng là thi hành án, tòa án cũng phải có trách nhiệm để đảm bảo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là phải được thi hành. Tòa án cần có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm xảy ra trong quá trình thi hành án…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi làm việc với VKSND Tối cao. Ảnh: TTXVN
Giải thích thêm, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết nếu hiểu “quyền tư pháp” theo quan điểm của ngành tòa án thì tới đây, VKS có thể phải chuyển nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng sang tòa án. “Thực hiện quyền tư pháp không phải là đi làm thay các cơ quan khác mà chỉ can thiệp khi phát hiện vi phạm thôi” - ông Sơn nói.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Trung ương Lê Thị Thu Ba đánh giá đang có nhiều quan điểm khác nhau về “quyền tư pháp”. Theo bà, lâu nay trong tư pháp hình sự, việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, thậm chí tới bước truy tố tòa án không hề tham gia. Ở khâu này, vai trò trách nhiệm chính thuộc về cơ quan điều tra và VKS. Tòa án chỉ đưa vụ việc ra xét xử trên cơ sở hồ sơ VKS truy tố với các chứng cứ cuối cùng đã được VKS kết luận. “Cho dù có khẳng định tòa án thực hiện quyền tư pháp thì tôi nghĩ vẫn không nên trao cho tòa quyền điều tra, thu thập chứng cứ lại. Biểu hiện cao nhất của quyền tư pháp là tuyên một người có tội hay vô tội” - bà Thu Ba nêu ý kiến.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc minh định tòa án “thực hiện quyền tư pháp” là nhằm nâng quyền lực này lên tương xứng với hành pháp, lập pháp nhưng không phải là theo “tam quyền phân lập”. Chủ tịch nước cũng cho rằng không dễ gì có định nghĩa đầy đủ, tuyệt đối, thống nhất ngay về “quyền tư pháp”, nhất là khi chỉ còn vài tháng nữa là luật tổ chức hai ngành đã phải trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua. “Tòa án thực hiện quyền tư pháp như thế nào? Trước mắt là không mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng khác và cũng không nên trùng giẫm lên chức năng, quyền hạn của các cơ quan hiện tại” - Chủ tịch nước góp ý.
Tòa sơ thẩm khu vực: Cần bước đi phù hợp
Tương tự, vấn đề tổ chức tòa sơ thẩm khu vực đã được Bộ Chính trị định hướng trong Nghị quyết 49 và tiếp tục được nhắc lại trong Kết luận 92 nhưng việc triển khai đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau. Cả hai dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND đều đưa phương án nước đôi hoặc tòa, viện theo khu vực hoặc giữ nguyên như cấp huyện hiện nay. Kèm theo các phương án này là yêu cầu khoản đầu tư 16.000-18.000 tỉ đồng cho mỗi ngành, nếu quyết theo mô hình mới.
Chính vì vậy, một kiến nghị được Viện phó VKSND Tối cao Lê Hữu Thể đưa ra trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cho ý kiến hoặc báo cáo Bộ Chính trị ra kết luận cuối cùng, quyết định tổ chức tòa án, VKS theo khu vực hay tiếp tục đặt ở đơn vị hành chính cấp huyện.
Trước các ý kiến, quan điểm khác nhau về mô hình tòa sơ thẩm, VKS khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các ngành ngồi lại, bàn giải pháp để có bước đi phù hợp. Dẫn lại kinh nghiệm tăng thẩm quyền xét xử hình sự sơ thẩm cho tòa cấp huyện trước đây, Chủ tịch nước lưu ý rằng ban đầu Quốc hội đã không đồng tình, sau đó TAND Tối cao phải chuẩn bị lại, lên lộ trình, danh sách các tòa huyện được tăng thẩm quyền. Quốc hội thông qua, theo dõi, giám sát kết quả rồi mới tiếp tục lần lượt mở rộng thẩm quyền cho các tòa huyện còn lại. “Như vậy, chúng ta có thể tính toán xem địa bàn nào phù hợp thì tổ chức tòa khu vực quy mô 2-3 huyện. Nơi khác khó khăn thì một huyện cũng là tòa khu vực. Cứ dần dần như vậy mà chuyển đổi” - Chủ tịch nước gợi ý.
CCTP là công việc phức tạp, đồ sộ, cần sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, sự tham gia, vào cuộc của Chính phủ, của Quốc hội. Vì vậy, trong những ngày tới, Chủ tịch nước - Trưởng ban Chỉ đạo CCTP Trung ương sẽ có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, với Đảng đoàn Quốc hội để đánh giá toàn diện những thuận lợi, khó khăn của công tác này.
NGHĨA NHÂN
Các đề xuất đáng chú ý Tại buổi làm việc, TAND Tối cao và VSKND Tối cao đã có một số đề xuất đáng chú ý: - Ở TAND Tối cao, chánh án tham gia Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư và một phó chánh án tham gia BCH Trung ương. Dưới địa phương, bố trí chánh án tham gia thường vụ cấp ủy và một phó chánh án tham gia cấp ủy. - Luật hóa biện pháp trinh sát theo đúng nguyên tắc hiến định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. - Hình thành cơ chế hòa giải trong lĩnh vực hình sự với một số tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, người phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả… - Đối với một số tội phạm kinh tế, bên cạnh hình phạt tù có thêm hình phạt chính khác là phạt tiền với mức gấp nhiều lần số đã chiếm đoạt làm cơ sở lựa chọn khi quyết định hình phạt. |