Ngày 17-1, Tòa Tối cao Mỹ chính thức ra phán quyết duy trì luật cấm mạng xã hội TikTok tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia, nếu công ty mẹ của TikTok là ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) không thoái vốn khỏi ứng dụng này trước ngày 19-1, theo hãng tin Reuters.
Với việc toàn bộ 9 thẩm phán của Tòa Tối cao Mỹ bỏ phiếu ủng hộ, phán quyết của Tòa đã hoàn toàn bác bỏ lập luận của TikTok rằng luật cấm TikTok đang vi phạm Tu chính án thứ nhất. Thay vào đó, Tòa cho rằng mối quan ngại an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ về mối quan hệ giữa ứng dụng này với Trung Quốc là một cơ sở đủ chính đáng.
"Quy mô và khả năng dễ bị kiểm soát từ đối thủ nước ngoài, cùng với lượng lớn dữ liệu nhạy cảm mà nền tảng [TikTok] thu thập, đủ biện minh cho việc đối xử khác biệt để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ" - Tòa Tối cao Mỹ cho biết.
Phán quyết duy trì luật cấm TikTok đã đẩy nền tảng mạng xã hội này cùng 170 triệu người dùng tại Mỹ vào tình trạng bấp bênh khi chỉ còn 1 ngày nữa là sẽ đến thời hạn có hiệu lực của luật.
Phản ứng các bên
Phản ứng trước phán quyết của Tòa Tối cao Mỹ về việc duy trì luật cấm TikTok, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào để cứu TikTok, song nhấn mạnh rằng TikTok vẫn có thể tiếp tục hoạt động như hiện tại miễn là ứng dụng này thoát khỏi "sự kiểm soát của Trung Quốc", theo Reuters.
"TikTok vẫn nên dành cho người Mỹ dùng, nhưng chỉ đơn giản là nó nên thuộc quyền sở hữu của người Mỹ hoặc thuộc quyền sở hữu của bên khác mà có thể giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia quốc hội xác định khi xây dựng luật này" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay.
Bà Jean-Pierre cũng lưu ý thêm rằng xét đến thời điểm này, trách nhiệm thực thi luật cấm TikTok tại Mỹ "phải thuộc về chính quyền tiếp theo".
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã phản ứng trước phán quyết duy trì luật cấm TikTok, tuyên bố rằng ông sẽ ra tay cứu ứng dụng này.
"Quyết định của tôi về TikTok sẽ được đưa ra trong tương lai không xa, nhưng tôi phải có thời gian để xem xét tình hình. Hãy theo dõi!" - ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Về phía TikTok, Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Châu Thụ Tư hôm 17-1 đã cảm ơn Tổng thống đắc cử Trump vì cam kết tìm ra giải pháp giúp ứng dụng này tiếp tục có mặt tại Mỹ, theo tờ The Hill.
“Chúng tôi rất biết ơn và vui mừng khi có được sự ủng hộ của một vị tổng thống thực sự hiểu nền tảng của chúng tôi, người đã sử dụng TikTok để bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của riêng mình, kết nối với thế giới và tạo ra hơn 60 tỉ lượt xem nội dung của mình trong quá trình này" - ông Chew nói trong một video trên mạng xã hội TikTok.
CEO của TikTok cũng đã cam kết "sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình" để giữ cho nền tảng này luôn khả dụng đối với người dùng tại Mỹ.
“Đây sẽ là một lập trường mạnh mẽ bảo vệ Tu chính án thứ nhất và chống lại sự kiểm duyệt tùy tiện” - ông Chew nhấn mạnh.
Tương lai bấp bênh
Có khả năng ứng dụng này vẫn có thể tiếp tục hoạt động sau ngày 19-1 nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không thực thi luật cấm TikTok để tôn trọng chính quyền sắp tới của ông Trump, theo Reuters.
Tuy nhiên, không rõ liệu điều đó có thuyết phục được các công ty Apple, Google, Oracle và những công ty công nghệ khác sẵn sàng tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho TikTok hay không.
Ngoài ra, một điều khoản trong luật cấm TikTok cho phép lùi thời hạn cấm thêm 90 ngày nếu có "tiến triển đáng kể" hướng tới việc thoái vốn của TikTok tại Mỹ.
Tổng thống đắc cử Trump cũng có thể viện dẫn Đạo luật về Quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), nêu rõ rằng việc giữ lại TikTok sẽ có lợi cho an ninh quốc gia để từ đó cứu lấy ứng dụng này.
Ở thời điểm hiện tại, viễn cảnh về việc cấm TikTok tại Mỹ đã khiến một lượng lớn người dùng mạng xã hội này tìm kiếm các giải pháp thay thế, trong đó có ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc RedNote. Theo công ty phân tích dữ liệu Similarweb, ứng dụng này đã đạt gần 3 triệu người dùng tại Mỹ chỉ trong một ngày vào đầu tuần này.