Chị em bà HTKL, HVBB, HTN đều là con nuôi trong một gia đình ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Năm 2007, cha mẹ nuôi của họ mất (không có di chúc), để lại hơn 4.400 m2 đất ruộng và vườn.
Người mặt tiền, người bị “nhốt”
Năm 2005, bà L. định san lấp phần mặt tiền của lô đất để xây nhà thì ông B. và ông N. ngăn cản, đưa ra lý do là người đại diện chung cho hộ gia đình đứng tên trên giấy tờ toàn bộ lô đất này là anh trai của ông B. Bà L. không đồng ý nên khởi kiện phía anh em ông B. ra tòa, yêu cầu được chia tài sản thuộc sở hữu chung và chia phần thừa kế của mình trong lô đất do cha mẹ nuôi để lại.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Cái Bè chấp nhận một phần yêu cầu của bà L., buộc phía anh em ông B. phải chia cho bà một phần di sản thừa kế trong tổng số hơn 4.400 m2 đất, tương đương hơn 45 triệu đồng. Ngoài ra, phía anh em ông B. cũng phải hoàn trả 6 triệu đồng tiền bà L. đã bỏ ra san lấp mặt bằng trước đó. Bà L. kháng cáo yêu cầu được chia đất chứ không lấy tiền... Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, buộc phía anh em ông B. phải chia cho bà L. 758 m2 đất…
Sau phiên phúc thẩm, phía anh em ông B. đã liên tục khiếu nại lên VKSND Tối cao và TAND Tối cao đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Theo họ, bản án phúc thẩm tuyên quá bất hợp lý và không công bằng ở chỗ cho bà L. được hưởng trọn phần mặt tiền của mảnh đất. Điều này khiến anh em họ khóc ròng vì toàn bộ phần đất mà họ được tòa chia nằm lọt thỏm phía sau phần đất của bà L. Chưa nói đến giá trị đất mặt tiền và đất nằm phía sau có sự chênh lệch lớn, họ còn không có lối đi ra đường chính vì đã bị đất của bà L. bịt kín. Chính vì vậy, vụ việc đến nay chưa thể thi hành án được.
Đương sự khổ, thi hành án mệt mỏi
Thực tế, những trường hợp tuyên án bất hợp lý như trên hoặc tuyên chung chung, không rõ làm khổ cả đương sự lẫn cơ quan thi hành án đã xảy ra không ít.
Quyết định số 202/QĐ-PT ngày 23-4-2008 của TAND tỉnh An Giang tuyên cho sáu đương sự trong một vụ xin chia di sản thừa kế mỗi người được hưởng 49,88 m2 đất; buộc ông HVH chừa ra 1 m làm lối đi chung. Vấn đề là nếu tổ chức giao đất như tòa tuyên thì phải tháo dỡ, di dời sáu căn nhà trên mảnh đất tranh chấp. Tòa không hề tuyên tháo dỡ, di dời nhà nên cơ quan thi hành án bó tay. Ngoài ra, ông H. không tự nguyện thi hành việc chừa lối đi chung. Cơ quan thi hành án cũng bó tay bởi tòa không xác định vị trí lối đi chung tính từ đâu.
Tương tự, Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã Tân Châu (An Giang) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức cưỡng chế buộc bà NTM giao đất cho những người khác theo bản án số 108/DSPT ngày 4-3-2008 của TAND tỉnh An Giang. Lý do là tòa chỉ tuyên buộc bà M. chia đất, còn cây trồng trên đất thì lại không đề cập. Do đó, cơ quan thi hành án không biết giải quyết số phận của 44 cây bạch đàn, 30 bụi chuối, 10 cây xoài, chín cây gáo, sáu cây gòn, ba cây mít, ba cây me chua… trên mảnh đất này ra sao.
Vụ khác, bản án số 46/DSST ngày 6-5-2008 của TAND huyện Phú Tân (An Giang) tuyên buộc ông PVM tháo dỡ các tài sản khác ra khỏi phần đất lấn chiếm để trả lại cho bà ĐTS. Tòa tuyên xong, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Tân bắt tay vào việc thì gặp bế tắc: Nếu tháo dỡ tài sản trên phần đất lấn chiếm như tòa tuyên sẽ ảnh hưởng đến vách nhà, có thể gây đổ hoặc sập nhà. Muốn tháo dỡ cần phải đập bỏ nhưng phần này tòa lại không tuyên. Chi cục Thi hành án tự ý làm, lỡ sập cả nhà thì ai sẽ bồi thường?
Án chỉ nằm trên giấy Ông LVL và ông QVP tranh chấp phần không gian chung. TAND thị xã Châu Đốc (An Giang) buộc ông L. tháo dỡ toàn bộ phần mái hiên bằng bê tông chạy dài hết nhà ông L. vách bên phải (nhìn từ lộ vào)… để trả lại không gian cho con hẻm chung và không gian cho ông P. Tòa còn buộc ông L. khôi phục hiện trạng hai miếng bê tông chắn mưa trên cửa sổ nhà ông P. (diện tích 0,5 x 1,8 m)... Đến nay, quá trình thi hành án vẫn bế tắc chỉ bởi một điều rất đơn giản: Con hẻm chung giữa hai nhà chỉ rộng 0,2 m, làm sao dựng được miếng bê tông chắn mưa rộng 0,5 m để khôi phục hiện trạng? Trong khi đó, bản án không đề cập đến việc phải đập phần vách để đưa miếng bê tông vào hoặc tháo bỏ phần vách nhà ông L… Thẩm phán phải nhìn lại Có trường hợp cơ quan thi hành án yêu cầu thì chính thẩm phán cũng không giải thích được bản án. Về nguyên tắc, khi ngồi ghế chủ tọa phiên tòa tuyên một bản án là phải thi hành được, nếu tuyên mà không ai hiểu thì tuyên làm gì? Những sai sót lặt vặt như lỗi chính tả, con số còn đính chính được chứ lỗi sai về nội dung thì rất khó khắc phục. Để hạn chế, không còn cách nào khác là từng thẩm phán phải tự nhìn nhận, tự nâng tầm. Bản thân thẩm phán phải cẩn trọng khi quyết định và có kỹ năng lập luận, viết án cho tốt. Đừng để lỗi chủ quan của thẩm phán làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý. Thẩm phán HOÀNG VĂN HẢI, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh Cẩn trọng, nghiêm túc Người thẩm phán phải có thái độ làm việc nghiêm túc và cẩn trọng. Thực tế cho thấy những bản án mắc lỗi tuyên xa rời thực tế đa phần là những vụ không quá phức tạp nhưng vì tâm lý chủ quan nên khi xét xử, thẩm phán thường “tặc lưỡi” làm cho xong. Ngoài ra, kinh nghiệm giải quyết án cũng góp phần quan trọng giúp thẩm phán cho ra đời những bản án sáng sủa cả về hình thức lẫn nội dung. Tôi ví dụ, án chia thừa kế thường phức tạp, có khi một vụ số đương sự thì nhiều, tài sản thì lắt nhắt. Với thẩm phán thiếu kinh nghiệm, khả năng sai sót sẽ rất cao. Thẩm phán NGUYỄN HUY HOÀNG, TAND quận Gò Vấp, TP.HCM Cần sự tận tụy Thẩm phán phải đặt mình vào hoàn cảnh của đương sự thì mới thấm thía trách nhiệm, tuyên án hợp tình, hợp lý. Muốn vậy, khi xử những án phức tạp, họ cần bỏ công sức đi xác minh thực tế. Luật không bắt buộc thẩm phán phải làm chuyện này nhưng họ cũng là công chức, phải tận tụy phục vụ nhân dân. Chúng ta đang cải cách tư pháp mạnh mẽ, nếu có nhiều bản án phi thực tế thì khoảng cách giữa chủ trương và thực tiễn vẫn còn xa lắm. Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM |
SONG NGUYỄN - PHƯƠNG LOAN