TAND tỉnh Hậu Giang vừa xử sơ thẩm tuyên hủy cùng lúc tám quyết định (QĐ) hành chính của chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp và chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Người khởi kiện trong vụ này là bà Phạm Thị Gọn, ngụ xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Trước khi đưa ra phán quyết, tòa án đã phải hoãn xử bốn lần.
Hơn một năm ban hành chín QĐ
Năm 2006 và năm 2012 bà Gọn mua hai mảnh đất khá rộng tại xã Long Thạnh. Sau khi nhận chuyển nhượng đất, bà thuê người đắp bờ bao đất xung quanh và bơm gần 9.000 m3 cát san lấp mặt bằng để xây dựng nhà xưởng kinh doanh.
Đầu năm 2014, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có công văn thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư phục vụ mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp. Ngày 22-5-2014, UBND tỉnh ban hành QĐ số 716 (gọi tắt là QĐ số 1) về việc quy hoạch và thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án.
Ngày 20-6-2014, UBND huyện Phụng Hiệp ra QĐ 3643a (QĐ số 2) về việc thu hồi hơn 7.600 m2 đất của hộ bà Gọn. Năm ngày sau UBND huyện có QĐ số 3677a (QĐ số 3) về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, hộ bà Gọn được bồi hoàn, hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng. Sau đó UBND huyện lập tờ trình gửi UBND tỉnh dựa trên khối lượng cát đã thẩm định trên nền đất thu hồi của bà Gọn, đề nghị hỗ trợ cho gia đình bà hơn 665 triệu đồng.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: HT
Tháng 11-2014, UBND huyện ban hành QĐ số 6669 (QĐ số 4) phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất. Trong quyết định này, hộ bà Gọn được bồi thường bổ sung hơn 127 triệu đồng. Như vậy, hộ bà Gọn được dự trù kinh phí bồi thường cho các khoản là gần 1,9 tỉ đồng.
Do không đồng ý với số tiền bồi thường và chính sách tái định cư, bà Gọn làm đơn khiếu nại gửi đến UBND huyện. Ngày 6-1-2015, chủ tịch UBND huyện ban hành QĐ số 62 (QĐ số 5) bác đơn khiếu nại của bà. Ba tháng sau UBND huyện ban hành tiếp QĐ số 2099 (QĐ số 6) điều chỉnh tại Điều 1 QĐ số 3 vì có sai sót về phân loại đất. Tiếp đó ngày 6-4-2015, UBND huyện ban hành QĐ số 2227 (QĐ số 7) về việc cưỡng chế thu hồi đất của bà Gọn.
Cho rằng việc giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện không thỏa đáng, bà Gọn khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 14-7-2015, chủ tịch UBND tỉnh ban hành QĐ số 962 (QĐ số 8) bác đơn khiếu nại của bà, giữ nguyên nội dung giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện. Cuối cùng là ngày 24-12-2015, UBND huyện ra QĐ số 7475 (QĐ số 9) về việc điều chỉnh một phần QĐ số 4 của mình đã ban hành trước đó.
Như vậy, quá trình quy hoạch, phê duyệt dự án, thu hồi đất, bồi hoàn hỗ trợ và giải quyết khiếu nại của bà Gọn, chủ tịch UBND huyện và chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành tất cả chín QĐ hành chính.
Bị hủy tám QĐ
Khiếu nại không được, ngày 28-4-2016, bà Gọn đã khởi kiện tám QĐ hành chính trên (trừ QĐ số 1). Bà yêu cầu tòa hủy một phần QĐ số 3, QĐ số 4 và hủy toàn bộ sáu QĐ bị khởi kiện.
Tại phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Hậu Giang nhận định người bị kiện đã vi phạm về trình tự thủ tục ban hành QĐ thu hồi đất (vi phạm thời hạn thông báo thu hồi đất). Cụ thể, kể từ ngày có QĐ về việc quy hoạch và thông báo thu hồi đất (QĐ số 1) đến khi ra QĐ số 2 chỉ có 28 ngày. Theo khoản 2 Điều 39 Luật Đất đai thì trước khi thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Đến ngày 25-6-2014, UBND huyện lại ban hành QĐ số 3 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thời gian từ ngày niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho đến khi phê duyệt phương án này của UBND huyện là năm ngày (trong đó ngày 21 và 22 là thứ Bảy và Chủ nhật). Trong khi đó, theo Điều 30 Nghị định 69/2009 của Chính phủ (về việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư) thì phương án trên phải được niêm yết tại UBND xã ít nhất 20 ngày để lấy ý kiến người dân trước khi chuyển đến cơ quan chức năng để thẩm định và phê duyệt.
Theo tòa, chủ tịch UBND huyện và tỉnh ban hành các QĐ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thu hồi đất đối với hộ bà Gọn là trái với Điều 30 Nghị định 69/2009 và Điều 39 Luật Đất đai. Hậu quả là gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của bà Gọn. Do các QĐ ban đầu sai nên kéo theo các QĐ về điều chỉnh bổ sung lại các QĐ này và các QĐ về cưỡng chế thu hồi đất và giải quyết khiếu nại sau đó đều không có hiệu lực. Từ đó tòa ra phán quyết như trên.