Tháng 3-2009, ông Đặng Thanh Việt bắt đầu làm việc tại Trung tâm Phát triển quỹ đất (trung tâm) thuộc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh. Ông ký hợp đồng làm việc không thời hạn với trung tâm. Bốn năm sau ông được bổ nhiệm giữ chức phó giám đốc trung tâm theo quyết định của Sở TN&MT. Tháng 10-2016, ông bị giám đốc Sở TN&MT tỉnh ký quyết định thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức buộc thôi việc với lý do có sai phạm.
Cho rằng mình không có sai phạm, quyết định buộc thôi việc là không chính xác nên ông Việt khởi kiện quyết định này ra tòa. Ban đầu ông khởi kiện bằng vụ án hành chính nhưng TAND tỉnh Tây Ninh trả đơn với lý do đây là quan hệ lao động, phải khởi kiện vụ án lao động. Ông Việt khiếu nại việc từ chối thụ lý thì cũng bị TAND tỉnh bác đơn. Sau đó ông khởi kiện vụ án tranh chấp lao động, yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định kỷ luật, buộc Sở phải nhận ông trở lại làm việc và thanh toán các khoản thu nhập từ khi bị nghỉ việc. Tháng 12-2016, TAND tỉnh đã ra thông báo chính thức thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng lao động của ông Việt, xác định giám đốc Sở TN&MT tỉnh là bị đơn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào ngày 20-1, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết ông đã có văn bản gửi tòa thể hiện ý kiến về tố tụng. Theo đó việc tòa thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng lao động như trên là chưa chuẩn. Bởi ông Việt ký hợp đồng lao động số 05 vào tháng 3-2009 với trung tâm, trong khi đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở và là một pháp nhân. Sở TN&MT không ký hợp đồng làm việc với ông Việt nên nếu có tranh chấp thì là tranh chấp giữa ông Việt và trung tâm. Quyết định buộc thôi việc của giám đốc sở là quyết định hành chính nhưng Luật Tố tụng hành chính chưa có quy định cho viên chức khởi kiện loại quyết định này. Ông Việt có quyền yêu cầu hủy quyết định buộc thôi việc nhưng do khoảng trống của pháp luật nên chỉ có thể khiếu nại. Cũng theo ông Xuân, quyết định của Sở buộc thôi việc đối với ông Việt là đúng quy định, thủ tục pháp luật, được 100% hội đồng kỷ luật thông qua…
Vụ án này, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc TAND tỉnh thụ lý vụ án lao động và xác định bị đơn Sở TN&MT là đúng. Bởi ông việt là viên chức nên bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức và quyết định kỷ luật trên do giám đốc Sở ký. Trong khi Điều 30 Luật Viên chức quy định: Tranh chấp liên quan đến việc ký kết, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động. Đây là luật chuyên ngành nên phải được ưu tiên áp dụng trước khi áp dụng các quy định khác. Được biết cuối năm 2016, khi trả lời khiếu nại của ông Việt, TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng có văn bản trả lời quyết định buộc thôi việc viên chức không phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.