Một số hộ dân có đất nằm trong dự án chỉnh trang đô thị tại phường Long Bình, quận 9, TP.HCM phản ánh việc UBND quận 9 không thực hiện theo bản án của tòa làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ.
Thắng kiện cũng như không
Bà Ngô Bích Huyền, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh, trình bày: Năm 2001 bà nhận sang nhượng một thửa đất nông nghiệp của ông D. ở phường Long Bình, quận 9 với tổng diện tích 2.000 m2. Nguồn gốc đất do các chủ đất trước tạo lập.
Năm 2006, UBND quận 9 thông báo là toàn bộ khu đất nói trên của bà nằm trong dự án chỉnh trang phát triển đô thị. Đến tháng 7-2014, UBND quận 9 ra Quyết định số 651 về việc công bố giá hỗ trợ bồi thường cho bà với số tiền hơn 269 triệu đồng.
Không đồng ý, bà Huyền kiện hành chính yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định nói trên. TAND quận 9 xử sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của bà. Bà kháng cáo, đến ngày 3-12-2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy Quyết định 651 của UBND quận 9, buộc UBND quận phải tính lại giá bồi thường cho bà.
Đến ngày 13-2-2017, UBND quận 9 ra quyết định mới (số 59) tính lại giá bồi thường cho bà Huyền. Điều bất ngờ là quyết định mới này lại tính giá giống như quyết định cũ là chỉ hỗ trợ bồi thường cho bà đúng bằng số tiền hơn 269 triệu đồng như quyết định trước đây từng bị tòa tuyên hủy.
Ông Linh, ông Lợi và bà Huyền trên khu đất bị giải tỏa ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tòa tuyên mặc tòa, quận làm như cũ
Trong bản án phúc thẩm tuyên xử bà Huyền thắng kiện nói trên, TAND TP.HCM nhận định phần đất nói trên trước khi bán cho bà Huyền, ông D. đã được sử dụng ổn định từ trước năm 1993. Trong quá trình ông D. chuyển nhượng cho bà Huyền không bị ai tranh chấp. Phía UBND phường Long Bình có đăng ký kê khai nhưng không sử dụng đất. Trong quá trình hộ dân sử dụng đất, UBND phường cũng không ra bất kỳ quyết định xử phạt hành vi lấn chiếm đất công. Do đó, tòa xét thấy đất của hộ bà Huyền không thuộc trường hợp bị lấn chiếm theo như trình bày của UBND quận 9.
Tòa cho rằng Quyết định số 651 của UBND quận 9 tính giá hỗ trợ bồi thường cho bà Huyền là không đúng. Từ đó, TAND TP.HCM đã tuyên buộc UBND quận 9 phải tính bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp và tính hỗ trợ về đất cho bà Huyền.
“Người dân chúng tôi luôn tuân thủ quy định của pháp luật, khi quyền lợi bị xâm phạm, chúng tôi đã nhờ tòa án giải quyết, còn quận sai nhưng lại không sửa. Chúng tôi rất bức xúc nên yêu cầu quận 9 trả lời cho rõ, vậy mà cơ quan này lại hướng dẫn chúng tôi lên cấp cao hơn để khiếu nại. Rõ ràng những quyết định trước đây do quận 9 ra đã bị chúng tôi kiện, chẳng lẽ chúng tôi lại phải tiếp tục kiện nữa. Làm như vậy có phải là hành dân không?” - bà Huyền bức xúc.
Mà không chỉ có bà Huyền, ông Nguyễn Văn Lợi ở địa chỉ phường Linh Trung, quận Thủ Đức cũng gặp tình cảnh tương tự. Ông Lợi có thửa đất 1.700 m2 ở phường Long Bình, quận 9. Năm 2013, UBND quận 9 ra quyết định hỗ trợ bồi thường cho ông Lợi hơn 284 triệu đồng. Ông Lợi kiện UBND quận 9 ra tòa và được TAND TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy quyết định này. Tòa buộc quận tính lại tiền bồi thường cho ông Lợi nhưng sau đó UBND quận 9 ra quyết định mới với cách tính và đơn giá giống như quyết định cũ.
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Linh ở phường Linh Tây, quận Thủ Đức cũng thắng kiện UBND quận 9 nhưng rồi sau đó ông nhận được quyết định với nội dung y chang quyết định cũ.
“Quận không thể làm khác được”
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết: “Sau khi bản án có hiệu lực, UBND quận 9 đã thực hiện theo bản án là ra quyết định mới tính lại giá bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình xét lại nguồn gốc đất sử dụng của các hộ thì hội đồng xét duyệt nhận thấy không có gì khác so với trước đây. Vì thế, quận vẫn phải tính theo đơn giá cũ”.
“Nhưng trong các bản án hành chính phúc thẩm mà người dân kiện UBND quận 9, TAND TP.HCM đã phân tích rất rõ là người dân đủ điều kiện pháp lý để được bồi thường theo quy định. Tại sao quận không thực hiện theo?” - PV hỏi. Ông Thành trả lời: “Trong quá trình xem xét, quận vẫn giữ quan điểm nguồn gốc đất của một số hộ trên là đất do Nhà nước quản lý nên quận không tính khác được”.
“Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa cần phải được tôn trọng và thực hiện, tại sao quận không tuân theo?” - PV chất vấn. Ông Thành trả lời: “Quận vẫn tuân theo nhưng khi ra quyết định cuối cùng là ý kiến thống nhất của cả hội đồng trong ban bồi thường nên chúng tôi không thể làm khác được. Nếu người dân không đồng ý với quyết định của UBND quận thì có thể khiếu nại ở các cơ quan có thẩm quyền khác cao hơn”.
Ủy ban phải tôn trọng bản án của tòa Theo nguyên tắc, khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Việc bản án có hiệu lực nhưng cá nhân hay tổ chức không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế. Trong trường hợp cụ thể này, UBND quận 9 buộc phải thi hành theo như bản án của tòa tuyên. Việc UBND quận 9 ra một quyết định mới giống như quyết định đã bị kiện là không đúng, hành động này được xem là cố tình không chấp hành theo bản án, kéo dài thời gian và làm khó dân. Trong quá trình xét xử, tòa án đã dựa theo những chứng cứ của UBND quận và người dân đưa ra. Trên cơ sở đó, tòa mới đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, UBND quận 9 phải tôn trọng và thực hiện theo. Nếu UBND quận 9 xét thấy bản án có hiệu lực của tòa chưa đúng thì ủy ban cũng phải thực hiện tính lại giá bồi thường cho dân theo những gì tòa tuyên. Sau đó, ủy ban có quyền yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để xem xét lại bản án ấy của tòa. Còn hiện tại, ủy ban phải làm theo bản án của tòa. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn |