Ngày 22-11, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ ông NTT khởi kiện hai quyết định hành chính của chủ tịch UBND huyện Củ Chi và chủ tịch UBND TP. Theo đó, HĐXX đã tuyên hủy cả hai quyết định này vì chưa có căn cứ hợp pháp.
Bị bác khiếu nại, kiện cả hai quyết định
Theo hồ sơ, ông NTT và bà LTT tranh chấp quyền sử dụng 825 m2 đất tại xã Phước Thạnh (Củ Chi). Tháng 3-2014, chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 3462 công nhận đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của bà LTT.
Ông NTT khiếu nại đến UBND TP.HCM. Ngày 6-12-2014, chủ tịch UBND TP đã ra quyết định giải quyết khiếu nại, tiếp tục bác yêu cầu của ông NTT, giữ nguyên Quyết định số 3462 của chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Sau đó, ông NTT đã khởi kiện yêu cầu TAND TP hủy Quyết định số 3462 của chủ tịch UBND huyện Củ Chi và quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND TP.
Trong quá trình tòa giải quyết vụ án, phía người bị kiện cho rằng quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của UBND huyện Củ Chi là đúng trình tự, quy định của Luật Đất đai. Để ban hành Quyết định số 3462, chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã thực hiện việc hòa giải, đối thoại, xác minh… UBND TP cũng đã kiểm tra, kết luận rằng Quyết định số 3462 là có căn cứ và hợp pháp...
Hồ sơ giải quyết tranh chấp có nhiều thiếu sót
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP, phía người bị kiện tiếp tục đề nghị HĐXX bác yêu cầu của ông NTT.
Bà LTT (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) khai phần đất tranh chấp có nguồn gốc của ông NTT. Năm 1975, bà và ông NTT có thỏa thuận miệng hoán đổi đất. Phần đất mà bà giao cho ông NTT đã được cấp giấy đỏ nhưng khi bà làm thủ tục xin được cấp giấy đỏ phần đất ông NTT giao cho bà thì ông NTT lại tranh chấp.
Đại diện VKS nhận định quá trình điều tra, thu thập, xác minh, lập hồ sơ đúng quy định. Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 3462 là đúng pháp luật. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX bác yêu cầu của ông NTT.
Tuy nhiên, theo HĐXX, hồ sơ vụ án thể hiện vào ngày 10-4-2013, ông NTT có đơn gửi đến ban nhân dân ấp yêu cầu được hòa giải phần đất tranh chấp với bà LTT. Ban nhân dân ấp thực hiện hòa giải không thành nên chuyển hồ sơ đến UBND xã Phước Thạnh để xử lý. Lẽ ra sau khi hòa giải không thành, UBND xã phải hướng dẫn ông NTT làm đơn theo quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) và Điều 203 Luật Đất đai 2013 nhưng UBND xã không thực hiện mà chuyển thẳng hồ sơ đến UBND huyện Củ Chi.
Theo quy định hiện hành, hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai gồm có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp, quyết định phân công các cơ quan chuyên môn giải quyết, người giải quyết, xác minh nguồn gốc đất, lấy ý kiến người giáp ranh… Tuy nhiên, hồ sơ trong vụ việc này không có bản vẽ, không có tài liệu về thửa đất, diện tích, bản đồ, nguồn gốc đất và lịch sử sử dụng đất không được xác minh làm rõ. Trong quá trình giải quyết án, tòa tổ chức đo đạc hiện trạng đất tranh chấp thì thực tế chỉ có 764 m2 chứ không phải là 825 m2. Ngoài ra, trong hồ sơ cũng không có lời khai của những người tiếp giáp ranh đất...
HĐXX kết luận việc chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 3462 là chưa có căn cứ hợp pháp, không đúng quy định về cả hình thức lẫn nội dung. Việc chủ tịch UBND TP giữ nguyên quyết định của chủ tịch UBND huyện Củ Chi là không có cơ sở thỏa đáng. Từ đó, HĐXX đã hủy cả hai quyết định này. Theo HĐXX, tranh chấp giữa ông NTT và bà LTT sẽ được giải quyết lại khi có yêu cầu của đương sự theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất Theo Điều 88 Nghị định 43/2014, khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất, UBND cấp xã phải thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất. UBND cấp xã cũng phải thành lập hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải, sau đó tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên hội đồng hòa giải và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai. Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo. |